Ung thư dạ dày: Dấu hiệu nhận biết và các yếu tố nguy cơ

Hà An

(Dân trí) - Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp 2-4 lần so với nữ giới.

Ung thư dạ dày có tính chất vùng miền rõ rệt liên quan tới chế độ ăn uống và bảo quản thực phẩm. Phân bố không đồng đều theo khu vực địa lý và thời gian. Tỷ lệ mắc bệnh thường ở độ tuổi cao, hiếm gặp ở những người dưới 30 tuổi, nam giới chiếm tỷ lệ cao ở tất cả các quốc gia trên thế giới với tỷ lệ gấp 2- 4 lần so với nữ giới.

Vị trí hay gặp ở vùng hang môn vị (chiếm 60-70%), sau đó là ở vùng bờ cong nhỏ (18- 30%), các vùng khác ít gặp hơn như bờ cong lớn khoảng 3%, đáy vị 12%, tâm vị 9%, ung thư toàn bộ dạ dày chiếm 8-10%.

Ung thư dạ dày: Dấu hiệu nhận biết và các yếu tố nguy cơ - 1
Tại Việt Nam, đa số người bệnh ung thư dạ dày đi khám và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn

Nguyên nhân - các yếu tố nguy cơ

Yếu tố môi trường và chế độ ăn uống

Môi trường sống và chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng liên quan tới ung thư dạ dày. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày gồm:

-  Sử dụng hàm lượng muối cao trong thức ăn

-  Thức ăn có chứa hàm lượng nitrat cao

-  Chế độ ăn ít vitamin A, C

-  Những thức ăn khô, thức ăn hun khói

-  Thiếu phương tiện bảo quản lạnh thức ăn

-  Rượu, thuốc lá...

Các thức ăn tươi, hoa quả tươi như cam, chanh, nhiều chất xơ, thức ăn giàu vitamin A, C, các yếu tố vi lượng như kẽm, đồng, sắt, magie, ... có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ung thư dạ dày: Dấu hiệu nhận biết và các yếu tố nguy cơ - 2

Vai trò của Helicobacter Pylori (HP)

Vai trò của H.pylori trong ung thư dạ dày đã được chứng minh. Các nghiên cứu cho rằng nhiễm H.pylori gây viêm niêm mạc dạ dày dẫn tới teo niêm mạc và dị sản ruột, loạn sản và cuối cùng là ung thư. Nhiễm H.pylori làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên gấp 6 lần.

Yếu tố di truyền

Ước tính ung thư dạ dày có tính chất gia đình chiếm tỷ lệ 1-15% trong số người bệnh mắc ung thư dạ dày. Một số bệnh lý di truyền cũng tăng nguy cơ.

Các yếu tố khác

Các bệnh lý tại dạ dày cũng là nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Nhiễm xạ cũng được coi là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Dấu hiệu ung thư dạ dày

Ở giai đoạn đầu, ung thư dạ dày thường không có triệu chứng hoặc xuất hiện các triệu chứng không rõ rệt. Một số triệu chứng thường hay bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, người bệnh cần đi kiểm tra ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu như:

- Sụt cân nhanh chóng: Đây là triệu chứng thường gặp của ung thư dạ dày. Tình trạng sụt cân thường xảy ra khi bệnh đang trong giai đoạn tiến triển.

- Đau bụng: Thường bắt đầu với những cơn đau bất chợt, từng đợt. Cơn đau sẽ tái đi tái lại với tần suất ngày càng nhiều khi ung thư dạ dày tiến triển đến giai đoạn nặng, sử dụng thuốc cũng không thuyên giảm.

- Đầy bụng bất thường sau khi ăn kèm cảm giác khó chịu, buồn nôn: Người bệnh thường có cảm giác đầy hơi, chướng bụng, khó chịu và buồn nôn sau khi ăn.

- Chán ăn: Người bị ung thư dạ dày sẽ luôn có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, cùng với đó là cảm giác khó nuốt, thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng.

- Nôn ra máu: Khi xuất hiện triệu chứng nôn ra máu thường xuyên, cần nghĩ ngay đến trường hợp ung thư dạ dày.

- Đi ngoài phân đen: Đây là triệu chứng điển hình của một số bệnh lý như xuất huyết dạ dày, viêm loét dạ dày,… tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu.

Lúc đầu các triệu chứng chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện, dần dần chúng xuất hiện thường xuyên hơn. triệu chứng càng nặng và kèm theo tình trạng gầy sút cân (mất 5-6 kg trong vòng 6 tháng), hẹp môn vị (nôn thức ăn sau 2-3 giờ hoặc nôn thức ăn trước bữa ăn), sờ thấy u vùng thượng vị, nôn ra máu, đại tiện phân đen hoặc sờ thấy hạch thượng đòn trái..