Những món ăn nên loại khỏi thực đơn để ngừa ung thư dạ dày
(Dân trí) - Ung thư dạ dày là căn bệnh phổ biến ở cả hai giới, rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng thay đổi thói quen, chế độ ăn, khám sức khỏe (nội soi dạ dày) định kỳ.
TS.BS Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K cho biết, ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ung thư tiêu hóa thường gặp hiện nay và con số mắc ung thư dạ dày hàng năm trên thế giới có xu hướng gia tăng.
Theo con số thống kê mới nhất của tổ chức Y tế thế giới năm 2018, ước tính trên thế giới có hơn 1.033.000 ca ung thư dạ dày mới mắc và số ca tử vong là khoảng 800.000 ca. Đây là con số rất đáng báo động. Ở Việt Nam thì cũng ước tính năm 2018 có 17.527 ca ung thư dạ dày mới mắc, và tỉ lệ tử vong là hơn 15.000 ca, căn bệnh này hiện ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Như vậy chúng ta thấy rằng ung thư dạ dày là bệnh lý ung thư tiêu hóa đáng phải được quan tâm, và đáng phải được đầu tư nghiên cứu điều trị tốt hơn.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh dạ dày, ung thư dạ dày nói chung, mọi người nên:
- Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, không thức quá khuya, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày,…
- Hạn chế các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, trà đặc, tuyệt đối không uống rượu bia trong lúc đói. Rượu, bia không chỉ gây hại đối với dạ dày mà còn "phá hủy" gan, tụy gây ra các bệnh lý nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp,…
- Ăn uống điều độ, đúng giờ, hạn chế các thức ăn chiên, xào khó tiêu, nhiều gia vị, dưa, cà, các quả chua,…đặc biệt là dưa hành và các loại rau củ quả muối.
Đặc biệt với các loại rau củ quả muối, GS.TS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cảnh báo, trong dưa hành, rau củ quả muối có nhiều chất gây chua làm dạ dày tăng tiết axit.
Ngoài ra, trong dưa hành và các loại rau củ quả muối còn chứa một lượng muối sử dụng cho việc ủ chua. "Với người bị đau dạ dày, đặc biệt là đau dạ dày do vi khuẩn HP (hylyri…) thì thực phẩm muối chua, thực phẩm có chứa nhiều muối sẽ làm cho vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn. Vi khuẩn này khi kết hợp với muối gây ra hiện tượng đứt gãy các ADN của tế bào niêm mạc dạ dày, dẫn đến hiện tượng viêm loét, dị sản, loạn sản niêm mạc dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư". GS Long cho biết.
GS Long cũng giải thích thêm, vi khuẩn HP là loại vi khuẩn sống trong dạ dày con người. Vi khuẩn này có đến hơn 200 loại khác nhau tuy nhiên chỉ có những loại vi khuẩn mang gen CagA mới gây ra viêm loét dạ dày tá tràng.
Khoa học cũng đã chỉ ra mối liên quan giữa lượng muối trong khẩu phần ăn và sự gia tăng vi khuẩn HP cũng như làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Theo 1 nghiên cứu trên 270.000 người cho thấy, những người ăn nhiều muối sẽ tăng 68% nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Đối với những người đang mắc các bệnh lý về dạ dày, ung thư dạ dày cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị cũng như hướng dẫn dinh dưỡng của bác sĩ.