Ung thư cổ tử cung điều trị như thế nào
(Dân trí) - Bệnh ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi 100% khi tổn thương được phát hiện sớm (quan sát bằng kính hiển vi), chẩn đoán ở giai đoạn I thì tỷ lệ này còn 80-90%, ở giai đoạn II là 75%.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Trong năm 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Chuyên gia Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) khuyến cáo sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng. Khi đó cơ hội điều trị thành công cao.
Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ
Điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc hoàn toàn vào giai đoạn bệnh. 100% phụ nữ được chữa khỏi khi tổn thương ở dạng vi thể (tổn thương chỉ được quan sát bằng kính hiển vi), 80-90% khỏi bệnh khi chẩn đoán ở giai đoạn I, 75% cho giai đoạn II.
Tỉ lệ này giảm xuống còn 30-40% cho giai đoạn III, 15% và tháp hơn nữa cho giai đoạn IV. Khi đã có di căn thì tiên lượng sống 5 năm là vô cùng thấp.
Có 3 phương pháp điều trị kinh điển có thể được áp dụng đơn lẻ hoặc phối hợp là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị (dùng thuốc độc tế bào để tiêu diệt tế bào ung thư).
Đối với ung thư cổ tử cung, xạ trị có thể áp dụng cho mọi giai đoạn vì tế bào ung thư nhạy cảm với tia bức xạ trong khi ngoại khoa không thể giải quyết được.
Với giai đoạn sớm, ung thư tại chỗ giai đoạn Ia1, Ia2, nếu bệnh nhân còn trẻ, có nhu cầu sinh con và có điều kiện theo dõi thì tiến hành khoét chóp cổ tử cung. Nếu diện khoét còn tế bào ung thư thì phải chuyển cắt tử cung toàn bộ và vét hạch chọn lọc.
Từ giai đoạn Ib đến IIa phải phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ và 2 phần phụ, vét hạch chậu trong và chậu ngoài. Nếu tổn thương rộng hơn 2-4cm thì cần phải tiến hành xạ áp sát trước rồi phẫu thuật như trên.
Nếu hạch có di căn cần xạ tiểu khung sau mổ. Nếu không phẫu thuật có thể xạ tiểu khung (nguồn xạ ngoài) sau đó xạ áp sát, khi có hạch di căn phải tiếp tục xạ tiểu khung tiếp theo.
Từ giai đoạn IIb đến IIIa/b thì cần phối hợp xạ áp sát và xạ tiểu khung, hạch động mạch chủ bụng hoặc phối hợp xạ trị và hóa trị. Vai trò của phẫu thuật ở các giai đoạn này rất hạn chế.
Sau điều trị bệnh nhân phải tuân thủ chế độ theo dõi chặt chẽ. Cụ thể là khám 3 tháng/lần trong năm đầu, 6 tháng/lần trong năm thứ 2 và thứ 3, 1 năm/lần trong năm thứ 4 và 5. Nếu tái phát được phát hiện sớm thì điều trị vẫn cho kết quả khả quan.
Giai đoạn IVa và IVb là giai đoạn rất muộn. Khối ung thư xâm lấn lan rộng đến bàng quang, trực tràng, niệu quản… và di căn xa đến phổi, xương, gan… Vai trò của phẫu thuật hoặc phối hợp xạ trị, hóa trị chỉ là chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh nhân.
Hà An