Vụ phụ nữ tử vong sau tiêm thuốc kháng sinh:

UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Y tế kịp thời kiểm tra, xử lý

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc chị Trần Thị Ngọc ở xã Mã Thành, Yên Thành tử vong sau tiêm thuốc kháng sinh, ngày 14/3 - UBND tỉnh Nghệ An có Công văn phê bình Sở Y tế trong việc chậm báo cáo vụ việc.

Chậm báo cáo sự việc

 
T
UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Y tế kịp thời kiểm tra, xử lý
Công văn UBND tỉnh Nghệ An phê bình Sở Y tế chậm báo cáo vụ việc.
 
Sau khi báo chí phản ánh vụ việc chị Trần Thị Ngọc (31 tuổi, trú tại Hòn Nen, xã Mã Thành, Yên Thành, Nghệ An) tử vong sau tiêm thuốc kháng sinh tại bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành và chưa nhận được báo cáo của Sở Y tế về vấn đề này, ngày 14/3/2012, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã có Công văn số 1434/UBND-VX gửi Sở Y tế về vụ việc chị Trần Thị Ngọc chết sau khi tiêm thuốc kháng sinh. Theo đó, phê bình Sở Y tế Nghệ An chậm báo cáo về vụ việc bệnh nhân Trần Thị Ngọc và giao Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo UBND tỉnh kết quả xử lý và gửi về Sở Thông tin - Truyền thông trước ngày 20/3/2012.

"Tôi chỉ là người kê đơn"

Là chia sẻ của bác sỹ (BS) Nguyễn Văn Diện, Phó Chủ nhiệm khoa Nhi - Cấp cứu, người đã khám và cho đơn thuốc chị Ngọc. BS Diện cho biết mình đã khám, kê đơn thuốc cho chị Ngọc và đã có báo cáo giải trình toàn bộ sự việc cho lãnh đạo BVĐK về vấn đề nói trên.

“Trước đó ngày 6/3, chị Ngọc có con đang điều trị tại khoa tôi và kêu đau. Sau đó, mẹ của chị ấy (mẹ chị Ngọc - PV) và BS Nguyệt (cùng khoa với BS Diện - PV) có bảo và nhờ tôi kiểm tra, kê đơn thuốc điều trị. Lúc đó, tôi nghĩ là người nhà của BS Nguyệt nên đã kiểm tra, kê đơn lấy thuốc đồng thời tiêm cho chị Ngọc và chồng chị ấy có nói vợ đã đỡ nhiều.
 
Đến ngày hôm sau (7/3), tôi nghỉ ở nhà và nhận được tin báo chị Ngọc bị sốc thuốc dẫn đến tử vong. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, là người liên quan đến khám và kê đơn thuốc cho chị Ngọc nên tôi cũng đau lòng lắm chứ. Sau đó, tôi đã làm bản tường trình nói lại sự việc mình khám và kê đơn cho bệnh nhân theo chức năng của bác sỹ và đã nộp cho cơ quan rồi”, BS Diện cho biết.

Cũng theo BS Diện, trước đó có một bệnh nhân ở xã Trung Thành bị dị ứng nhẹ, nổi ban đỏ khắp người khi tiêm thuốc và được cấp cứu kịp thời nên không xảy ra chuyện gì. Còn trường hợp của chị Ngọc là bất khả kháng.

BS Diện cho hay: “Việc tiêm thuốc kháng sinh ZEFPOCIN Cefotaxime theo quy định của Bộ Y tế là không cần phải thử phản ứng. Trước đây tất cả các loại kháng sinh đều phải thử phản ứng trước khi tiêm. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây Bộ Y tế quy định có 2 loại kháng sinh phải thử là Penicilin và Ceptomacil trước khi tiêm. Tôi khẳng định một lần nữa thuốc ZEFPOCIN Cefotaxime không phải thử phản ứng trước khi tiêm”. 
 

Về phía Sở Y tế, Giám đốc Phạm Văn Thanh nhấn mạnh: “Bệnh viện huyện Yên Thành sai quá rõ và quá lớn: Sai về quy tắc chuyên môn. Việc không đến thăm hỏi, chia sẻ với gia đình chị Ngọc cũng là một sai lầm. Tôi yêu cầu bệnh viện Yên Thành tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và tự nhận trách nhiệm của từng người”.

Nguyễn Duy