U70 rước bệnh vì nghe chuyên gia dinh dưỡng "dỏm" tư vấn làm đẹp

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Mong nhanh giảm cân, ăn uống lành mạnh để giảm mỡ máu, bà N.T.H. (TPHCM) nhận kết đắng khi mất hàng chục triệu cho chuyên gia dinh dưỡng "dỏm".

U70 rước bệnh vì nghe chuyên gia dinh dưỡng dỏm tư vấn làm đẹp - 1

Các bác sĩ chia sẻ tại Hội thảo khoa học "Dinh dưỡng trong phòng ngừa và điều trị bệnh" (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Xuất hiện nhiều "chuyên gia tự phong"

Theo dõi thông tin được các bác sĩ (BS) chia sẻ tại Hội thảo khoa học "Dinh dưỡng trong phòng ngừa và điều trị bệnh" tổ chức ngày 19/12 tại TPHCM, bà N.T.H. (69 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM) giật mình khi nghe nhiều kiến thức khác biệt so với đội ngũ tư vấn dinh dưỡng trước đây cho mình.

"Tôi bị mỡ máu, hơi dư cân nên tìm đến một câu lạc bộ về dinh dưỡng mong giảm cân, săn chắc người, giảm mỡ máu. Tại đây, tôi được trưởng nhóm tư vấn ăn uống theo chế độ giảm cân khắt khe và mua hết hơn 30 triệu đồng tiền thực phẩm chức năng", bà H. kể.

Uống thực phẩm chức năng được hơn 2 tháng, sức khỏe suy giảm nên bà H. đi bệnh viện khám. Kết quả, các chứng bệnh sỏi mật, huyết áp có dấu hiệu xấu đi, phát sinh thêm nhịp tim chậm.

"Các chuyên gia ở câu lạc bộ dinh dưỡng tư vấn giảm cân nhưng không hỏi gì về tình trạng sức khỏe, các bệnh tôi hiện có. Tôi cứ uống thuốc theo chuyên gia "dỏm"và thấy hậu quả ngay. Tìm hiểu ra tôi mới biết trung tâm này hoạt động không phép, không treo bảng biển", bà H. giãi bày.

Thực trạng nhiều người không có bằng cấp, chuyên môn nhưng tự xưng là "chuyên gia dinh dưỡng" đi tư vấn sức khỏe cũng được BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM - nêu ra tại hội thảo.

Theo BS Ngọc Diệp, không ít "chuyên gia tự phong" không được đào tạo bài bản nhưng vẫn đi tư vấn dinh dưỡng sẽ gây hại cho cộng đồng, tác động xấu đến cá nhân.  

U70 rước bệnh vì nghe chuyên gia dinh dưỡng dỏm tư vấn làm đẹp - 2

BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM - chia sẻ tại Hội thảo khoa học "Dinh dưỡng trong phòng ngừa và điều trị bệnh" (Ảnh: Huyên Nguyễn).

BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp khẳng định dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong đời sống và đặc biệt là công tác phòng ngừa, điều trị bệnh.  

Theo một nghiên cứu được công bố năm 2023 tại Australia, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) tại bệnh viện ở các quốc gia dao động từ 20-50%. Số bệnh nhân SDD ở TPHCM khoảng 40,7%.

Thống kê cho thấy 1/3 bệnh nhân SDD khi nhập viện và 1/3 số bệnh nhân tiếp tục SDD trong thời gian nằm viện. Đối tượng thường bị SDD là người cao tuổi, người có thu nhập thấp, nằm viện lâu ngày, dùng nhiều thuốc...  

BS Lâm Hoài Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - cho hay trong những năm qua, tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện.  

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm liên tục và bền vững tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ dưới năm tuổi từ 31,9% xuống còn 13,8%.  

Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tỷ lệ SDD thấp còi vẫn ở mức độ cao, chiếm tỷ lệ 24,3%. Tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng, nhất là khu vực thành thị.

U70 rước bệnh vì nghe chuyên gia dinh dưỡng dỏm tư vấn làm đẹp - 3

BS Lâm Hoài Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm gia tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa.  

Trước những thách thức hiện nay về già hóa dân số, thay đổi lối sống, gia tăng bệnh không lây..., các chuyên gia nhấn mạnh vấn đề dinh dưỡng càng cần được chú trọng.  

Song, theo BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, thực tế còn thách thức khi hiểu biết về hoạt động dinh dưỡng trong cán bộ y tế chưa đầy đủ, nhân lực làm công tác dinh dưỡng thiếu hụt về số lượng, hạn chế về năng lực.  

Sự phối hợp giữa các bộ phận trong bệnh viện, cơ sở y tế để triển khai các hoạt động dinh dưỡng chưa đồng bộ. Các hoạt động chuyên môn về dinh dưỡng điều trị như đánh giá tình trạng dinh dưỡng, xây dựng kế hoạch can thiệp về dinh dưỡng, cung cấp thức ăn, thực phẩm, dinh dưỡng điều trị... chưa được thực hiện đầy đủ.  

Cùng với đó, cơ sở vật chất cho ngành dinh dưỡng còn nhiều hạn chế, công tác truyền thông giáo dục về dinh dưỡng chính thống còn thiết hụt.  

Để giải quyết tình trạng trên, BS Ngọc Diệp nhấn mạnh tới yếu tố không thể làm là chiến lược về đào tạo con người.  

"Lời khuyên dành cho những người đang đi tìm kiếm dịch vụ sức khỏe nên đến các đơn vị chính thống. Các cá nhân tham gia tư vấn về sức khỏe phải có hiểu biết thấu đáo, được đào tạo bài bản và có ý thức về trách nhiệm xã hội và sức khỏe cộng đồng", Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM. 

Cử nhân dinh dưỡng không lo thiếu việc làm  

Trước lo ngại về học cử nhân dinh dưỡng ra trường khó xin việc, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp khẳng định: "Cơ hội việc làm cho cử nhân dinh dưỡng thực sự nhiều. Không lo thiếu, nhưng các bạn cần tìm hiểu kỹ, định hướng rõ mục tiêu nghề nghiệp để không bị nhầm lẫn".  

U70 rước bệnh vì nghe chuyên gia dinh dưỡng dỏm tư vấn làm đẹp - 4

Việt Nam còn thiếu nhân sự ở lĩnh vực dinh dưỡng (Ảnh: Thúy Huyền).

Năm 2013, Việt Nam bắt đầu đào tạo cử nhân dinh dưỡng tiết chế. Sau 10 năm, cả nước có 9 đại học đào tạo ngành này với 730 cử nhân đã tốt nghiệp, một cơ sở khác thuộc hệ vừa học vừa làm.

Nước ta đang thiếu hụt cử nhân làm công tác dinh dưỡng tại bệnh viện và cộng đồng. Tại Việt Nam, chỉ có một số trường đào tạo ngành này và số lượng cử nhân tốt nghiệp mỗi năm dao động 50-70 người.  Số lượng đào tạo như vậy được đánh giá là quá ít so với nhu cầu thực tế. 

Đặc biệt, kể từ 01/01/2024 khi Luật khám, chữa bệnh 2023 có hiệu lực, Bộ Y tế quy định cơ sở khám chữa bệnh có quy mô từ 100 giường bệnh trở lên phải thành lập khoa dinh dưỡng; mỗi 100 giường bệnh phải có tối thiểu một người làm chuyên môn về dinh dưỡng.  

Vì thế, theo bà Diệp cử nhân ngành này có cơ hội làm việc tại khoa dinh dưỡng tiết chế của các bệnh viện, các đơn vị khác như trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế, viện nghiên cứu liên quan tới dinh dưỡng, đơn vị truyền thông giáo dục về sức khỏe, các trường đại học, hệ thống cơ sở sản xuất thực phẩm hoặc tham gia hệ thống phòng tư vấn. 

Đồng quan điểm, GS.TS Yasuhiko Toride - Đại học Quốc tế Tokyo, Nhật Bản - nhấn mạnh dinh dưỡng rất quan trọng với tất cả tầng lớp, đặc biệt cần quan tâm tới người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ, công nhân tại các đơn vị.   

Ông cho hay, hiện các doanh nghiệp kinh doanh về thực phẩm muốn phát triển bền vững cần quan tâm tới dinh dưỡng trong sản phẩm của mình có cung cấp.  Cử nhân dinh dưỡng được tuyển dụng vào làm việc tại các trường học, công ty và bệnh viện, làm việc tại nước ngoài hoặc các công ty nước ngoài đặt tại Việt Nam.  

TS Trương Sơn - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - cho hay nhu cầu của xã hội về việc được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, tư vấn,... đang ngày càng gia tăng. Ngành dinh dưỡng chính là một ngành học đang sở hữu nhiều triển vọng về việc làm trong những năm gần đây. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm