DMagazine

"Tướng A9" và trận đánh lớn nhất với Covid-19 tại chốt chặn cuối cùng

(Dân trí) - Chiến dịch chống dịch tại TPHCM được xem là "trận đánh" lớn nhất của lực lượng tuyến đầu với Covid-19 trong năm 2021.

Chiến dịch tại TPHCM được xem là "trận đánh" lớn nhất của lực lượng tuyến đầu với Covid-19 trong năm 2021.

Dịch bùng phát trên diện rộng, chủng Delta lây lan nhanh, nhiều nơi hiểm yếu như bệnh viện trở thành mục tiêu tấn công.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM, 6 tháng chống dịch Covid-19 là thời khắc cam go nhất của ngành Y tế.

Trong cuộc chiến này, đã có hơn 80.000 nhân viên y tế cùng các lực lượng khác ngày đêm dốc sức để bảo vệ sức khỏe của 9 triệu người dân trước làn sóng Delta.

Góp phần trong chiến thắng này, ngoài lực lượng cơ sở, không thể không nhắc đến 25.000 lượt cán bộ y tế từ khắp mọi miền đất nước "Nam tiến" để sát cánh cùng TPHCM.

"Trận đánh lớn nhất" là cách PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai nhận định về chiến dịch tại TPHCM. Chính tại nơi đây, trong giai đoạn nóng bỏng nhất, ông cùng các đồng nghiệp đã "căng mình" trên chốt chặn cuối cùng để giành lấy sinh mạng của hàng ngàn con người đang cận kề cửa tử vì Covid-19.

Tướng A9 và trận đánh lớn nhất với Covid-19 tại chốt chặn cuối cùng - 1

PV: 2021 là một năm chứng kiến cuộc chiến khốc liệt chưa từng có với đại dịch Covid-19, khi biến thể Delta tràn vào nước ta. Ông có thể chia sẻ về những "trận đánh lớn" của mình cùng các đồng nghiệp trong năm qua?

PGS.TS Nguyễn Văn Chi: Hỗ trợ các "điểm nóng" luôn được Bệnh viện Bạch Mai xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhìn lại từ vụ dịch ở Đà Nẵng hồi tháng 7/2020, dịch ở Hải Dương cuối năm 2020, rồi đến vụ dịch Bắc Ninh, Bắc Giang trong giai đoạn 4 - 5/2021, dịch ở TPHCM nửa cuối năm 2021 đều có sự tham gia của các đoàn quân chi viện của Bạch Mai ở những điểm nóng nhất.

Thậm chí, ngay hiện tại, nhiều đoàn công tác của chúng tôi vẫn đang trực chiến tại Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, 2 khu vực dịch đang diễn biến phức tạp.

Tướng A9 và trận đánh lớn nhất với Covid-19 tại chốt chặn cuối cùng - 3

Nhiệm vụ chống dịch tại TPHCM có thể nói là trận đánh lớn nhất của chúng tôi trong năm qua.

Xuyên suốt vụ dịch, Bệnh viện Bạch Mai đã cử 700 - 800 lượt cán bộ và hơn 1.000 sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai chi viện TPHCM. Tính tổng lại là 2.000 lượt người trong suốt trận đánh lớn này.

Trong suốt 3 tháng đó, các đoàn quân của chúng tôi cũng được luân chuyển liên tục vì ngay thời điểm TPHCM bùng dịch, rất nhiều nơi khác cũng trở thành điểm nóng và cần được hỗ trợ.

Bản thân tôi cũng là người tham gia gần như toàn bộ chiến dịch đó.

PV: Trực tiếp đối mặt với Covid-19, theo ông, đâu là thách thức lớn nhất mà căn bệnh này gây ra cho lực lượng điều trị?

PGS.TS Nguyễn Văn Chi: Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, phổi là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất. Việc phổi bị tấn công sẽ dẫn đến các tổn thương ở phổi gây nên tình trạng suy hô hấp.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Covid-19 có thể tấn công vào hầu hết các cơ quan. Đáng chú ý, bệnh có thể gây đông máu, dẫn đến tắc mạch. Một vấn đề nghiêm trọng khác đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua chính là "cơn bão Cytokines". Cụ thể, Covid-19 có thể gây hội chứng đáp ứng viêm hệ thống quá dữ dội, dẫn đến cơn bão Cytokines tấn công vào cơ thể. Cơn bão này có thể gây đổ sụp hàng loạt các phủ tạng dẫn đến hội chứng suy đa phủ tạng và khiến bệnh nhân tử vong.

Tướng A9 và trận đánh lớn nhất với Covid-19 tại chốt chặn cuối cùng - 5

Do đó, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng rất khó khăn. Chúng tôi vừa phải đảm bảo oxy, thông khí cho bệnh nhân tốt, vừa phải kiểm soát làm sao cho tuần hoàn huyết động tốt, đảm bảo chống đông để tránh tắc mạch, chống biến cố như nhiễm trùng. Bên cạnh đó, lực lượng điều trị còn phải đảm bảo các yếu tố khác như dinh dưỡng, năng lượng.

Chính vì vậy, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng phải triển khai cùng lúc rất nhiều biện pháp, kỹ thuật, điều này là hết sức khó khăn và đòi hỏi nhân lực lớn.

Tướng A9 và trận đánh lớn nhất với Covid-19 tại chốt chặn cuối cùng - 7

PV: Được biết, Bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ thiết lập và vận hành Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 500 giường ngay trong giai đoạn dịch tại TPHCM nóng bỏng nhất. Lực lượng mỏng, bệnh nhân đông, Covid-19 lại đặt ra hàng loạt thách thức trong điều trị, ông cùng các đồng nghiệp đã "đánh" trận này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Chi: Cái thành công nhất trong chiến dịch tại TPHCM chính là việc chúng ta đã quyết liệt phân tầng, phân tuyến bệnh nhân. Trong đó, những bệnh nhân nặng nhất, đòi hỏi kỹ thuật cao nhất được điều trị tại các bệnh viện tầng 3 như Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 của Bạch Mai. Tại cơ sở này, chúng tôi cũng đã tập trung những chuyên gia giỏi nhất vào đây.

Lúc đó, có một chiến lược rất hay gọi là "đánh chặn từ xa". Nghĩa là ngoài tập trung cho chiến trường chính tại Trung tâm hồi sức tích cực, chúng tôi còn đưa quân đến hỗ trợ "đánh" ở tầng một, tầng 2. Chiến lược này giúp giảm số bệnh nhân chuyển nặng, giúp tầng 3 không bị quá tải, như vậy mới có thể điều trị hiệu quả nhất và giảm tỷ lệ tử vong.

Thành công trong trận đánh này cũng không thể không nhắc đến những kinh nghiệm, mà chúng tôi đã thu được trong vụ dịch tại Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Tướng A9 và trận đánh lớn nhất với Covid-19 tại chốt chặn cuối cùng - 9

PV: Bên cạnh "đánh chặn từ xa", theo ông còn có những chiến lược mấu chốt nào giúp lực lượng điều trị tại TPHCM vượt qua tình thế "ngàn cân treo sợi tóc"?

PGS.TS Nguyễn Văn Chi: Tại TPHCM, có thể thấy rõ tính đúng đắn và hiệu quả của chiến lược điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà. Các F0 điều trị tại nhà được quản lý bởi các đội y tế lưu động. Điều này giúp giảm tải đáng kể cho hệ thống y tế ở tuyến trên.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các đội y tế lưu động là kiểm soát và phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng hay không. Nếu có bất thường, bệnh nhân sẽ nhanh chóng được chuyển đi đến tầng phù hợp.

Tướng A9 và trận đánh lớn nhất với Covid-19 tại chốt chặn cuối cùng - 11

Chúng ta không có cơ sở điều trị nào có thể thu dung hàng chục ngàn ca bệnh. Do đó, tôi cho rằng những trường hợp không có triệu chứng/triệu chứng nhẹ được điều trị, giám sát tại nhà là sự sáng tạo, mềm dẻo hết sức hiệu quả.

Thứ hai nữa là về các bệnh viện dã chiến. Tôi cho rằng, đây là chiến lược rất sáng tạo trong chống dịch của Việt Nam. Bởi vì, nếu xây bệnh viện dã chiến trên một bãi đất thì đòi hỏi nhiều tiền bạc và công sức, đồng thời không đáp ứng được tính cấp bách lúc bấy giờ. Do đó, chúng ta đã sáng tạo lấy các trường học, ký túc xá đã có cơ sở hạ tầng, giường chiếu để biến chúng thành các bệnh viện dã chiến chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Tướng A9 và trận đánh lớn nhất với Covid-19 tại chốt chặn cuối cùng - 13

PV: Các đơn vị hồi sức - cấp cứu là chốt chặn cuối cùng để ngăn bệnh nhân Covid-19 tử vong. Là người đã tham gia chống dịch tại nhiều "điểm nóng" trên cả nước, ông đánh giá năng lực hồi sức - cấp cứu của các địa phương hiện nay như thế nào? Chúng ta cần chuẩn bị gì cho những đợt dịch có thể còn lớn hơn trong thời gian tới, khi Covid-19 vẫn còn hoành hành?

PGS.TS Nguyễn Văn Chi: Trên thực tế, sau mỗi đợt dịch bùng phát, Bộ Y tế đều tổ chức những cuộc họp để rút kinh nghiệm và xem xét lại khả năng đáp ứng của các địa phương thì đều đi đến kết luận là hệ thống hồi sức cấp cứu cần phải nâng cấp trên toàn quốc.

Lấy ví dụ từ đợt dịch vừa rồi, riêng ở TPHCM không thể nào có đủ nhân lực và vật lực để đáp ứng hết số bệnh nhân tầng 3.

Tướng A9 và trận đánh lớn nhất với Covid-19 tại chốt chặn cuối cùng - 15

Do đó, Bộ Y tế cũng đã ra những chỉ thị, văn bản yêu cầu các tỉnh thành đánh giá lại lực lượng hồi sức cấp cứu ở địa bàn mình và xây dựng kế hoạch, để đối phó khi dịch bùng phát. Kế hoạch này phải được xây dựng rất chi tiết, ví dụ có 10, 20, 100 ca nặng phải làm thế nào? Cần bao nhiêu bác sĩ, điều dưỡng, phương tiện?

Đương nhiên ở thời điểm hiện tại, chưa có tỉnh nào gặp các đợt dịch lớn mà có thể tự mình chống được, mà phải có sự hỗ trợ của các tỉnh bạn và tuyến trung ương. Do đó, sự điều phối của Bộ Y tế là vô cùng quan trọng.

Tướng A9 và trận đánh lớn nhất với Covid-19 tại chốt chặn cuối cùng - 17

PV: Việt Nam đang chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn với Covid-19. Nếu lại xảy ra một đợt dịch mới, theo ông, sẽ tiếp tục có những đoàn quân "chi viện" hay chúng ta sẽ đáp ứng theo một phương án khác phù hợp với "bình thường mới" hơn?

PGS.TS Nguyễn Văn Chi: Về phương án xử lý các đợt bùng phát dịch, theo tôi, chúng ta phải tiếp cận theo hướng đa phương thức, đa mô thức và đáp ứng linh hoạt, mềm dẻo.

Ví dụ như dịch quy mô nhỏ các địa phương có thể đáp ứng tại chỗ, dịch lớn thì phải có sự hỗ trợ ở mức từ xa hoặc tại chỗ.

Do đó, Bộ Y tế rất mềm dẻo trong phân phối nhân lực để hỗ trợ các địa phương. Ở thời điểm nào cũng phải mềm dẻo như vậy vì ta không thể biết dịch sẽ kết thúc lúc nào và sẽ còn diễn biến phức tạp như thế nào nữa.

Tướng A9 và trận đánh lớn nhất với Covid-19 tại chốt chặn cuối cùng - 19

Tùy theo diễn biến dịch mà đưa quân đến, cần can thiệp ECMO thì có ECMO, cần lọc máu thì có lọc máu đến ngay.

Sự đáp ứng chủ động và linh hoạt với dịch của hệ thống y tế được thể hiện rất điển hình ngay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua. Khi quy mô dịch vượt quá khả năng đáp ứng của các tỉnh, thì Bạch Mai và các lực lượng khác sẽ đến hỗ trợ.

Chúng tôi sẽ nghiên cứu xem tình hình ở đó đang cần cái gì, đang thiếu cái gì, máy móc gì chưa có. Qua đó chúng tôi sẽ đáp ứng đúng những cái đang thiếu và tổ chức đào tạo luôn tại chỗ, "cầm tay chỉ việc" cho lực lượng địa phương.

Qua các vụ dịch, chúng tôi nhận thấy anh em đã trưởng thành lên rất nhiều. Kiến thức chữa Covid-19 còn là bản lề để chữa nhiều bệnh khác. Do đó, nhiều anh em chia sẻ với tôi: "bây giờ chúng em chữa và giải quyết vấn đề không phải Covid-19 cũng dễ hơn rất nhiều".

Xin cảm ơn ông!

Bài: Minh Nhật

Ảnh: Đỗ Linh

Thiết kế: Thủy Tiên