Từ vụ nữ sinh bị cắt cụt chân: Vì sao không chuyển viện?
Nếu nằm điều trị mà không thấy bệnh tình thuyên giảm thì tốt nhất người bệnh tự lên tuyến trên vì sức khỏe, sinh mạng là vốn quý hàng đầu.
Nữ sinh bị cưa cụt chân: Bệnh viện hứa lo lâu dài Vụ nữ sinh bị cưa cụt chân: Bộ Y tế yêu cầu làm rõ Bệnh viện nhận trách nhiệm vì nữ sinh lớp 10 bị cưa chân
Bé Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, xã Ea B’hoosk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) bị cắt cụt chân phải mấy ngày qua đã làm dậy sóng dư luận. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là vì sao cháu không được chuyển lên tuyến tỉnh ngay mà nằm ở bệnh viện (BV) huyện Cư Kuin gần một tuần cho đến nỗi chân bị hoại tử?
Ít bệnh viện nào tự giác chuyển
Không chỉ bệnh nhân Hà Vi lãnh hậu quả của việc giữ bệnh của tuyến dưới. Năm trước tại Bạc Liêu cũng xảy ra tình trạng tương tự. Bệnh nhi N. (tám tuổi) bị tai nạn giao thông được điều trị tại BV tỉnh Bạc Liêu. Kết quả chẩn đoán hình ảnh ghi nhận cháu bé bị gãy 1/3 xương đùi phải. Bác sĩ hẹn hơn một tuần sau bó bột nhưng mới nằm có bốn ngày chân bé sưng to, tím tái, mất cảm giác, sốt cao… BS trực khám qua loa rồi nói bình thường thôi. Quá lo lắng nên gia đình cháu bé xin chuyển lên BV Nhi đồng 1. Tại đây, ngoài gãy xương đùi, bệnh nhi còn được chẩn đoán tắc động mạch khoeo, bị hoại tử cẳng chân phải. Bệnh nhi được chuyển qua BV Chợ Rẫy nhưng cuối cùng vẫn cứu không được nên phải đoạn chi.
Năm 2015, ông Nguyễn Thanh Tùng (60 tuổi, Bình Thuận) bị đau đầu, sốt nhập vào BV huyện Hàm Tân. Ba ngày liền ông Tùng bị sốt cao 39o nhưng BV vẫn nói để theo dõi nhiễm trùng mà không chịu chuyển viện. Đến ngày thứ tư, gia đình thấy ông có vẻ nguy kịch nên đề nghị xin tự chuyển vào TP.HCM.
Với triệu chứng lâm sàng là sốt cao không giảm, kèm đau đầu, BS BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM hỏi ông Tùng: Ông có đi rừng không? Ông nói có. BS kéo quần ông xuống thì thấy ở đùi phải có xuất hiện vết đỏ như đầu chiếc đũa đang kéo mày. BS nói ngay: Ông bị sốt mò (do mò cắn). Nếu chậm thêm một ngày ông có thể nguy kịch. Thế nhưng ông Tùng cũng phải nằm điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới đến 10 ngày sau mới khỏi.
Một BS BV Thủ Đức (TP.HCM) cho biết không phải là tuyến dưới không muốn chuyển lên tuyến trên mà hầu hết các BV đều không muốn chuyển bệnh nhân. Nhưng bệnh nhân muốn chuyển thì BV phải cho đi vì đó là quyền của người bệnh. Có nhiều BV sau khi làm bệnh nhân “tòe hoe” ra rồi mới biết không chữa được và cầu cứu.
Tuy nhiên, khi hỏi vì sao các BV không chuyển bệnh nhân, thậm chí là chuyển xuống, nhiều lãnh đạo BV nói đây là câu chuyện “nhạy cảm” khó nói (?).
Vì túi tiền của bệnh viện!
Một chuyên gia tài chính ngành y tế cho rằng trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, BV tuyến dưới buộc phải chuyển viện để bảo vệ quyền lợi cho người bệnh. Hằng năm các Sở Y tế đều có phê duyệt danh mục kỹ thuật cho các BV. Nếu các kỹ thuật mà BV tuyến dưới chưa được duyệt làm nhưng trong quá trình điều trị gặp thì bắt buộc chuyển viện. Có nhiều nguyên nhân khiến các BV không chuyển viện, vì:
Thứ nhất, trước đây, nếu bệnh nhân đăng ký BHYT ở BV huyện A, bệnh nhân đi khám bệnh mắt và phải mổ mắt. Bệnh nhân xin chuyển qua BV chuyên khoa mắt mặc dù BV huyện A vẫn mổ được. Khi BV mắt mổ xong bệnh nhân, BHYT sẽ lấy quỹ khám chữa bệnh khoán cho BV huyện A chuyển cho BV mắt.
Tuy nhiên, sau đó các ngành chức năng gồm BHXH và y tế họp lại khống chế mức trần trung bình chi cho một ca mổ mắt trong năm của BV mắt để thanh toán cho BV huyện A và cũng nhằm giữ quỹ cho tuyến dưới vì sợ BV mắt chi mạnh tay. Theo đó, yêu cầu BV mắt nếu chi cho bệnh nhân mà BV huyện A chuyển đến vượt mức trần quy định thì sẽ không được thanh toán phần vượt đó.
“Nếu một BV quận/huyện cứ chuyển viện liên tục thì thì quỹ khám, chữa bệnh của họ sẽ bị rút trả cho các BV khác và quỹ hoạt động của họ không còn” - chuyên gia phân tích.
Thứ hai, hiện nay, quy chế cho thông tuyến kỹ thuật từ quận/huyện, phòng khám đa khoa, BV tư nhân hạng 3. Bệnh nhân đăng ký của BV huyện A nhưng đi khám tại BV huyện B, C, D… thì BHYT cũng sẽ lấy quỹ BHYT của BV huyện A chi cho số bệnh nhân này.
Thứ ba, hiện cơ cấu giá dịch vụ y tế được tính luôn lương, phụ cấp nhân viên y tế. Nếu BV không có bệnh nhân thì không có lương trả cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa tại các BV cũng muốn giữ bệnh nhân lại để chẩn đoán, làm hết các xét nghiệm để thu hồi vốn nhanh. “Từ các nguyên nhân trên, có thể nói các BV muốn giữ bệnh nhân để có quỹ hoạt động nên hạn chế không chuyển” - chuyên gia khẳng định.
“Khi bị BV “giữ” mà bệnh thấy không giảm, cũng có thể do chuyên môn yếu kém không chẩn đoán ra bệnh thì giải pháp tốt nhất là vượt tuyến lên tuyến trên. Dù sao bệnh nhân vẫn được hưởng BHYT 40% (tuyến tỉnh, trung ương), vì sinh mạng, sức khỏe là vốn quý nhất của con người” - một BS của BV Chợ Rẫy khuyến cáo.
Về vi phạm quy định chuyển tuyến sẽ xử lý thế nào, chúng tôi hỏi Vụ Pháp chế Bộ Y tế, nơi này bảo không nắm rõ, phải hỏi Cục Quản lý khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh chưa có câu trả lời.
Cơ sở khám chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện sau đây: Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt; hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị…
(Điều 5 Thông tư 14/2014 của Bộ Y tế)
Khi thực hiện chính sách thông tuyến, một BV dù được phân bổ hay có đăng ký BHYT nhiều nhưng bệnh nhân không đến thì số tiền trong quỹ BHYT họ có được cũng sẽ lấy trả hết cho các BV khác. Tuy nhiên, muốn giữ bệnh nhân thì phải nâng chất lượng, cải cách thủ tục hành chính thì bệnh nhân mới tin và ở lại.
Bà ĐINH THỊ LIỄU, Trưởng phòng Tài chính kế toán,
Sở Y tế TP.HCM
Theo Duy Tính
Pháp luật TPHCM