Từ vụ mổ nhầm chân: Bất cập do bệnh viện quá tải

Hiện nay ở các bệnh viện tuyến trung ương, tình trạng quá tải vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân và cả cơ quan chức năng. Lượng bệnh nhân đông đổ dồn về các bệnh viện tuyến cuối, không chỉ khiến cho bệnh viện ngột ngạt, chật kín, mà còn gây ra tình trạng “quá tải” cho đội ngũ y-bác sĩ.

Vụ mổ nhầm chân ở bệnh viện Việt Đức gây bức xúc dư luận.
Vụ mổ nhầm chân ở bệnh viện Việt Đức gây bức xúc dư luận.

Bệnh nhân cáu, bác sĩ “stress”

Tại khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện (BV) Hữu Nghị Việt Đức, ông Hoàng Minh Đ (Hà Nội) vào chăm sóc người nhà bệnh nhân đang nằm chờ mổ, tâm sự: “Do bệnh nhân đông quá nên những trường hợp không nguy hiểm đến tính mạng như cháu tôi chưa đến lượt, phải đợi”.

Không chỉ người nhà ông Đ, mà còn rất nhiều bệnh nhân khác cũng đang nằm chờ mổ. Ghi nhận của PV ngày 20.7, hành lang, lối đi lại của khoa Chấn thương Chỉnh hình chật kín, hai bên đều là bệnh nhân.

Chính bác sĩ (BS) Phan Văn H - vị BS mổ nhầm chân của anh Trần Văn Thảo (Ứng Hòa, Hà Nội) - cũng đã thừa nhận với gia đình bệnh nhân, một phần nguyên nhân là do áp lực công việc quá lớn, nên đã để xảy ra sự cố nhầm lẫn tai hại.

Tại cuộc họp báo về vụ việc mổ nhầm chân, GS Trần Bình Giang - PGĐ BV Việt Đức - khẳng định, sự cố mổ nhầm chân này là vô cùng hy hữu trong lịch sử 110 năm thành lập của BV Việt Đức. “Quy mô của BV hiện nay là 1.500 giường bệnh, mỗi năm thực hiện 150.000 ca mổ” - GS Giang cho biết.

Cũng theo ghi nhận của PV tại BV Nhi Trung ương chiều 21/7, lượng bệnh nhân rất đông đang chờ khám. Họ thường xuyên theo dõi số thứ tự hiển thị trên bảng điện tử. Nên khi lâu thấy khám, người nhà các bệnh nhân đều tỏ ra bức xúc.

Bài toán khó dành cho Bộ Y tế

Nhận định về vấn đề này, TS Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết: “Tôi cũng thừa nhận là ở các BV tuyến trung ương như Việt Đức, Bạch Mai thì các BS ở phòng khám là 1 ngày phải khám quá nhiều, dẫn đến thời gian tiếp cận với bệnh nhân ít, làm cho chất lượng dịch vụ không cao, không đảm bảo.

Cái thứ hai nữa là công việc nhiều thì áp lực lớn và quá vất vả. Những bệnh nhân đầu thì không sao nhưng càng về sau thì càng mệt mỏi, tinh thần không tập trung. Chính vì thế, trong đề án giảm tải, Bộ Y tế phấn đấu mỗi ngày 1 BS khám bệnh ở phòng khám không quá 35 người. Hiện nay khám tới 50 người, có chỗ 70 người”.

Trao đổi thêm với PV Báo Lao Động, ông Tường nói: “Hiện nay chưa có quy định về mổ. Nhưng các ca phẫu thuật, theo tôi, một BS, một buổi sáng thì nên mổ 2 ca thôi”.

Đúng ra là phải làm theo ca. Và nếu làm theo ca thì số nhân lực nó phải tăng lên nữa chứ không phải cứ giảm biên chế như hiện nay. Để mà làm theo ca thì Bộ Y tế cũng đã xây dựng làm theo ca rồi, trong đó có 2 ca chính và 1 ca phụ. Ca đêm là phụ thôi. Thậm chí 3 ca giống nhau thì nhân lực nó phải tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Hiện nay làm theo hành chính thì đủ, nhưng chuyển sang làm theo ca là sẽ thiếu. Về quy định của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ hiện nay là các BV tuyến trung ương là đủ. Nhưng nếu làm theo ca thì giá thành dịch vụ sẽ cao lên”.

Chủ trương để giảm quá tải tuyến trung ương và giảm áp lực công việc cho các BS tuyến trung ương chỉ có cách là làm các đề án để tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở như bác sĩ gia đình, bệnh viện vệ tinh… rất nhiều hoạt động để nâng lên. Nhưng thực tế hiện nay chất lượng y tế cơ sở chưa cao, để nâng lên không phải một sớm một chiều mà làm được. Học lý thuyết thì có thể vài tháng nhưng thực hành giỏi, mổ giỏi là cả một vấn đề lớn - ông Tường phân tích.

Ông Tường cũng cho biết, hiện nay bộ cũng đang nghiên cứu xây dựng để sửa đổi Thông tư 08 về định mức biên chế việc làm trong các cơ sở y tế nhà nước. “Ví dụ như hiện nay Thông tư 08 quy định các BV hạng đặc biệt như Việt Đức chẳng hạn thì phải đảm bảo 1,6 nhân lực trên 1 giường bệnh. Như thế là cứ 1.000 giường bệnh là phải có 1.600 nhân viên. Hiện nay cái đó chưa hợp lý. Nên sắp tới bộ sẽ chỉnh sửa thông tư này”.

Theo Thuỳ Linh

Lao động