Từ vụ cháu bé bị ký sinh trùng "ăn não" nguy kịch: Dùng nước nào an toàn?

Biên Thùy

(Dân trí) - Amip "ăn não" Naegleria fowleri thường được tìm thấy trong các khu vực nước ngọt ấm như ao, hồ, sông, suối nước nóng... Câu hỏi đặt ra là người dân nên sử dụng nguồn nước nào để đảm bảo an toàn?

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đã tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhi 10 tháng tuổi nhiễm amip "ăn não" (ký sinh trùng Naegleria fowleri) gây sốt cao, nôn ói nhiều rồi nhanh chóng co giật toàn thân kèm rối loạn tri giác, hôn mê sâu.

Bệnh nhi phải thở máy, dẫn lưu não thất, chống phù não, dùng kháng sinh phổ rộng và các thuốc theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, nhưng tình trạng vẫn còn nặng.

Từ vụ cháu bé bị ký sinh trùng ăn não nguy kịch: Dùng nước nào an toàn? - 1

Cháu bé nhiễm amip "ăn não" điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: BV).

Theo Phó giáo sư Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, amip Naegleria fowleri thường được tìm thấy trong các khu vực nước ngọt ấm, chẳng hạn như ao, hồ, sông, suối nước nóng, đất ẩm.

Các triệu chứng ban đầu khi nhiễm ký sinh trùng có thể bao gồm nhức đầu, sốt, buồn nôn và nôn. Tuy nhiên sau đó, bệnh tiến triển nhanh chóng và hầu hết người mắc đều dẫn đến hôn mê, tử vong trong 1-18 ngày từ khi khởi bệnh.

Câu hỏi được đặt ra là người dân, nhất là cộng đồng sinh sống ở các tỉnh thành lớn như TPHCM, Hà Nội nên lựa chọn sử dụng nguồn nước nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe?

Loại nước sinh hoạt giúp tránh bệnh về da, mắt và đường tiêu hóa

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), các nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt hiện nay rất đa dạng. Trong đó, nước máy là một trong những nguồn cung cấp nước sinh hoạt phổ biến, do các nhà máy cấp nước với hệ thống xử lý có công suất lớn.

Nước máy được xử lý qua các hệ thống lắng, lọc và khử trùng để loại bỏ các cặn bẩn, tạp chất… sau đó dẫn qua đường ống phân phối nước trực tiếp đến cho các hộ gia đình tiêu thụ.

Khoa Sức khỏe cộng đồng - Môi trường và bệnh nghề nghiệp, HCDC cho biết, nước máy thường đạt chất lượng ổn định và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sạch sử dụng cho sinh hoạt do Bộ Y tế ban hành (QCVN 01-1:2018/BYT).

Sử dụng nước máy giúp tránh các bệnh về da, mắt và đường tiêu hóa do nước ô nhiễm. Bên cạnh đó, nước máy được cung cấp trực tiếp đến từng hộ gia đình, tiết kiệm thời gian và công sức so với việc tự lấy nước từ nguồn khác. 

Từ vụ cháu bé bị ký sinh trùng ăn não nguy kịch: Dùng nước nào an toàn? - 2

Nước máy là nguồn nước sinh hoạt phổ biến ở các thành phố lớn như TPHCM (Ảnh: Biên Thùy).

Hệ thống cấp nước tại TPHCM có đạt chuẩn?

Riêng tại TPHCM, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) được giao nhiệm vụ cung cấp nước máy và chịu trách nhiệm về chất lượng nước đến người dân. Hiện nay, các nhà máy nước của SAWACO chủ yếu sử dụng nguồn nước mặt (chiếm 95% tổng sản lượng) từ hệ thống sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước, SAWACO phối hợp với các nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia môi trường để đưa ra kế hoạch toàn diện cho các chiến lược quản lý nguồn nước dài hạn. Cùng với đó là các chiến dịch tuyên truyền người dân về việc thực hành sử dụng nước bền vững, tiết kiệm và giảm lãng phí nguồn nước.

Đơn vị trên cũng lên nhiều phương án kiểm tra, giám sát một cách nghiêm ngặt nguồn nước thô trước khi vào nhà máy, trang bị hệ thống giám sát chất lượng nước từ đầu nguồn đến khi nước vào nhà máy xử lý nước, theo dõi các thông số về chất lượng nước hàng giờ tại nhà máy xử lý nước. Đồng thời, tại các nhà máy nước đều triển khai kế hoạch cấp nước an toàn.

Từ vụ cháu bé bị ký sinh trùng ăn não nguy kịch: Dùng nước nào an toàn? - 3

Người dân ngoại thành TPHCM sử dụng nước máy (Ảnh: SAWACO).

Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, HCDC đã thực hiện ngoại kiểm giám sát chất lượng các nguồn nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn TPHCM theo Thông tư 41/2018/TT-BYT.

Các bác sĩ khuyến cáo, chất lượng nước liên quan chặt chẽ đến sức khỏe cộng đồng. Bảo vệ môi trường sống để phát triển bền vững phải luôn được cộng đồng thực hiện bằng việc bảo đảm nguồn nước sạch và làm tốt vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, người dân nên hạn chế sinh hoạt và tắm rửa ở những nơi có nguồn nước bẩn để tránh nhiễm các ký sinh trùng nguy hiểm. Riêng với amip "ăn não", Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ gợi ý các biện pháp để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng Naegleria fowleri như sau:

- Không bơi vào hoặc nhảy xuống những hồ nước ngọt và có nước ấm.

- Bịt mũi hoặc sử dụng kẹp mũi khi nhảy hoặc lặn vào những vùng nước ấm.

- Không làm xáo trộn trầm tích lắng ở dưới hồ/bể bơi/ao khi bơi ở vùng nước nông và ấm.