1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tử vong vì giảm cân: Sự thật về phương pháp thanh lọc nhịn ăn

(Dân trí) - Sự việc nữ sinh 18 tuổi tử vong sau 10 ngày nhịn ăn để giảm cân chắc chắn khiến nhiều chị em giật mình. Được quảng bá trên mạng là 1 phương pháp của chuyên gia nhưng thực chất đây là 1 phương pháp phản khoa học.

Giảm cân càng nhanh, hậu quả càng khủng 

Ca đột tử của thiếu nữ 18 tuổi, nặng hơn 80kg vì uống nước cầm hơi suốt 10 ngày mới đây là lời cảnh báo mạnh mẽ với chị em đang tìm mọi cách để giảm cân. Bác sĩ Trà Giang, Khoa Cấp cứu (BV Thanh Nhàn) cho biết, các y bác sĩ đã nỗ lực ép tim, dùng các thuốc vận mạch nhưng bệnh nhân trẻ tuổi này đã không thể qua khỏi.

Liệu trình “12 ngày thanh lọc cơ thể” mà thiếu nữ này áp dụng được quảng bá là của một bác sĩ và chỉ sử dụng nước uống chanh đường, không ăn bất cứ loại thực phẩm nào nhưng khiến cơ thể có cảm giác no và nước này như một tấm xốp, hút mọi chất độc trong cơ thể và thải sạch ruột, qua đó giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai không bệnh tật và giảm cân.

Muốn giảm cân ăn uống phải khoa học và tập luyện đều đặn.
Muốn giảm cân ăn uống phải khoa học và tập luyện đều đặn.
Đánh giá về phương pháp trên, bác sĩ Cù Thị Hậu, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục Dinh dưỡng, (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khẳng định là phản khoa học. Bởi về nguyên tắc dinh dưỡng, cơ thể cần cung cấp đủ các nhóm thực phẩm như chất xơ, chất béo, đạm và vitamin.
Nếu như thiếu hụt nghiêm trọng 1 trong 4 thành phần kể trên thì cơ thể cũng sẽ mất cân bằng, sức khỏe suy giảm và gây bệnh tật chứ chưa nói đến thiếu cả 4 thành phần trong một thời gian dài (12 ngày) do chỉ uống nước chanh đường, chanh muối cầm hơi. “Nước chanh chỉ cung cấp chút vitamin C, muối khoáng, đường chứ không cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, duy trì sự sống”, TS Hậu nhấn mạnh.

Nguy hiểm hơn, việc “thanh lọc cơ thể” bằng nước chanh đường trong 12 ngày dẫn đến sụt cân quá nhanh gây rối loạn chuyển hóa, có hại cho các bộ phận khác của cơ thể như hệ bài tiết, hệ tiêu hóa, tim mạch. Chưa kể, việc nhịn ăn một cách tuyệt đối, khiến cơ thể không chỉ tiêu mỡ mà còn tiêu cơ, tiêu xương, gây thiếu máu, loãng xương, để lại hậu quả lâu dài. Việc giảm cân này cũng chỉ tức thời chứ không lâu dài. Sau thời gian nhịn ăn, sẽ đến giai đoạn ăn bù, cân nặng quay về mức cũ, thậm chí còn tăng hơn trước.

GS.TS Tiến sĩ Tạ Long, Chủ tịch Hội Tiêu hóa Việt Nam cũng khẳng định, việc nhịn ăn, chỉ uống nước chanh, nước muối là hoàn toàn phản khoa học và nguy hiểm. Bởi việc nhịn ăn khiến các cơ quan tiêu hóa không tiết dịch vị, tiết axit, lâu dần sẽ làm hỏng chức năng này, dẫn đến việc chán ăn, gầy yếu, suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh. Một số người có thể mắc thêm nhiều bệnh đường tiêu hóa như đau bụng, đi ngoài, táo bón, trầm cảm…

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng đánh giá  phương pháp này có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt với những gười bị viêm dạ dày, huyết áp thấp, tiểu đường.
Một bác sĩ chuyên ngành cấp cứu đánh giá, nhịn ăn kéo dài cực nguy hiểm với cơ thể con người. Thông thường trong điều kiện nghỉ ngơi, cơ thể con người vẫn cần khoảng 30 kcal/kg/24h. Trong đó não tiêu thụ khoảng 18% tổng nhu cầu năng lượng của cơ thể. Nhịn ăn kéo dài rất nguy hiểm, dù tử vong do thiếu năng lượng xảy ra chậm hơn so với tử vong do thiếu nước và điện giải. Tuy nhiên trong một số tình huống có thể tử vong rất sớm nếu tốc độ chuyển hóa của gan thấp, tốc độ tạo glucose không theo kịp với tốc độ sử dụng của của cơ thể, gây cơn hạ đường huyết cấp dẫn đến tử vong. Tình trạng này có thể đồng thời với tình trạng tăng ceton máu do hậu quả của sự giáng hóa lipid. Tử vong sớm còn có thể xảy ra do rối loạn điện giải nếu chế độ ăn kiêng bao hàm cả không bổ xung điện giải.
Ngoài vấn đề tử vong do kiệt năng lượng, tình trạng nhịn đói kéo dài dẫn đến thiểu sản niêm mạc ruột và ngừng tiết enzyme trypsin tại tụy và ruột non, Khi người bệnh được cho ăn lại thì không tiêu hóa được protein làm tăng sinh vi khuẩn C.welchi type C tại ruột, các độc tố do khuẩn này tiết ra này không bị trypsin phân hủy sẽ gây viêm ruột hoại tử. Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều nạn nhân sống sót qua trận đói kéo dài nhưng ngay sau khi được ăn lại bữa đầu tiên thì chướng bụng, đi ngoài ra máu rồi tử vong nhanh chóng (hội chứng Pigbel).

Theo các chuyên gia, giảm cân bằng thuốc, nhất là các loại thuốc gây mất nước bằng cách đi tiêu, đi ngoài nhiều là hoàn toàn phản khoa học. Thực chất là giảm cân giả do làm mất nước của cơ thể, khi uống nhiều nước trở lại, trọng lượng cơ thể lại trở lại như ban đầu. Hơn nữa, tình trạng mất nước kéo dài có thể gây những hậu quả nghiêm trọng, có thể khiến người bệnh tử vong. Thực phẩm chức năng hay bất cứ loại thuốc nào gây mất nước, mệt, mất điện giải, không phải là cách giảm cân. Đi ngoài nhiều gây mất nước, mất điện giải, tụt huyết áp, thậm chí nếu nặng có thể gây suy thận, suy gan. Sau đó hình thành phản xạ chán ăn lâu dài. Nhưng vì muốn giảm cân, nhiều người vẫn nhắm mắt làm theo. Hay với “thanh lọc cơ thể”, nữ sinh 18 tuổi đã tử vong sau 10 ngày nhịn ăn, uống nước cầm hơi.

Giảm béo phải khoa học

Béo là hiện tượng lớp mỡ tích dần dưới da bụng, cằm, đùi, cổ do lượng calo nạp vào quá nhiều nhưng lại không tiêu thụ hết khiến người càng trở nên to béo, lên cân. Nguy hiểm hơn, ở một số người, mỡ lại tích ở tạng, gây tăng mỡ máu, gan, thận, tuỵ nhiễm mỡ… khiến các bộ phận này ngày càng giảm chức năng. Vì thế, giảm cân là đúng.

Cách giảm cân tốt nhất là khống chế lượng thức ăn ăn vào, buộc cơ thể phải lấy calo từ kho dự trữ vốn là lớp mỡ thừa. Theo đó, ăn đầy đủ nhóm dinh dưỡng nhưng ăn ít đi, chia nhiều bữa nhỏ để giảm tổng số calo nạp vào; giảm đồ mỡ, béo, ngọt và tăng cường nhiều rau, hoa quả, nước đậu nành... kết hợp với tăng cường vận động, ít nhất mỗi ngày 1 tiếng đi bộ.

Các bác sĩ cũng lưu ý, muốn giảm cân phải kiên trì, cần thời gian 1 - 3 cân/tháng là tối đa, để cơ thể thích nghi từ từ. Để tránh lên cân trở lại cần hình thành thói quen ăn uống, vận động như trong suốt quá trình thực hiện giảm cân.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm