Từ giải Nobel Y học 2018, con đường nào cho bệnh nhân ung thư Việt Nam?
Vừa qua, giải Nobel Y học 2018 đã được trao cho hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế chốt kiểm miễn dịch (liệu pháp miễn dịch). Tại Việt Nam, liệu pháp này đã được đưa vào điều trị một số loại bệnh ung thư và có những kết quả nhất định.
Theo đó, nhà miễn dịch học James P. Allison đã tìm ra loại protein CTLA-4 có chức năng kích thích khả năng của các tế bào miễn dịch T trong việc chống lại khối u nếu như được "thả phanh". Với nguyên lý trên, nhà miễn dịch học Tasuku Honjo phát hiện ra loại protein PD-1 trong tế bào miễn dịch cũng có khả năng tương tự nhưng khác cơ chế hoạt động của CTLA-4.
Trả lời báo chí, BS Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết : "Trên bề mặt các tế bào bạch cầu lympho có những thụ thể được gọi là các điểm kiểm soát miễn dịch (chốt kiểm) hoạt động như những "công tắc" để điều hòa hoạt động giúp tránh các tế bào bạch cầu hoạt động quá mức sinh ra các bệnh tự miễn.
Tế bào ung thư có thể tạo ra một số chất để tắt "công tắc", khiến tế bào bạch cầu lympho rơi vào trạng thái ngủ yên. Từ đó giúp chúng thoát khỏi sự tấn công của các tế bào miễn dịch. Các nhà khoa học đã tìm ra cơ chế này, tạo ra nền tảng cho liệu pháp miễn dịch trong ung thư" - BS Tuấn Anh cho biết.
Bằng việc lợi dụng hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư, nhiều hãng dược phẩm lớn đã sản xuất ra các kháng thể đơn dòng như Pembrolizumab, Nivolumab, Atezolimumab, Durvalumab… để trung hòa các chất thủ phạm trên bề mặt tế bào ung thư, kích hoạt các tế bào bạch cầu lympho tăng hoạt động trở lại, giúp nhận diện và tiêu diệt tế bào ác tính.
Hiện tại, Bộ Y tế đã cấp visa lưu hành cho thuốc Pembrolizumab tại Việt nam và được chỉ định điều trị cho các trường hợp như:
(1) Bệnh nhân trưởng thành bị melanoma tiến triển (không thể cắt bỏ hoặc di căn);
(2) Điều trị bước đầu ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn ở người lớn;
(3) Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến triển tại chỗ hoặc di căn ở người lớn có tỷ lệ khối u (TPS) ≥ 1% và những người đã nhận được ít nhất một phác đồ hóa trị liệu trước đó.
Nhiều bệnh viện như BV Ung bướu TPHCM, BV K Hà Nội, BV Bình Dân (TPHCM)... đã triển khai liệu pháp trên.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có thể được điều trị bằng phương pháp này mà cần phải làm một số xét nghiệm về mô bệnh học để xác định khả năng điều trị có hiệu quả hay không.
Bên cạnh đó một đợt dùng thuốc cũng khá tốn kém bởi mỗi lọ thuốc có giá hơn 62 triệu đồng. Mỗi lần bệnh nhân sử dụng 2 lọ thuốc, phác đồ dùng thuốc 3 tuần một lần và kéo dài 1 - 2 năm hoặc hơn. Chưa kể nhiều chi phí khác như xét nghiệm, dịch các loại...
Theo Đ.P
Lao động