“Truy” thủ phạm gây ra nấc cụt
(Dân trí) - Trong trường hợp tích cực, nấc cụt chỉ gây phiền phức đôi chút nhưng tệ hơn, đó có thể là dấu hiệu một bệnh lý nghiêm trọng.
Thật may là chúng thường chỉ là sự kích thích thần kinh hay bạn đã ăn phải cái gì đó. Tuy nhiên, nếu nấc cụt kéo dài nhiều hơn vài tiếng và chúng xuất hiện thường xuyên thì bạn nên đi khám bác sĩ.
“Nấc là hiện tương co thắt cơ hoành, một cơ nằm giữa bụng và ngực, trong vài giây, cường độ mạnh, dứt khoát ngoài ý muốn của khổ chủ nhằm tống khí ra khỏi buồng phổi. Khi luồng khí đi ngang qua dây thanh âm vùng hầu - họng tạo thành tiếng nấc”, bác sĩ chuyên khoa dạ dày - ruột Roshini Rajapaksa, TT Y khoa NYU Langone và là biên tập viên y tế của tạp chí Health cho biết.
Rất nhiều thứ có thể khiến cơ hoành bị kích thích, từ ăn quá nhiều, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột đến những sủi tăm trong soda. Rượu, khói thuốc lá, và nuốt phải không khí (do nhai kẹo cao su) cũng có thể gây nấc.
Thậm chí sự căng thẳng hay cảm giác căng thẳng cũng có thể khiến bạn bị nấc. “Và đôi khi chúng biến mất như khi chúng đến”, BS Rajapksa nói.
Sự kích thích đối với dây thần kinh phế vị hay thần kinh cơ hoành, vốn “chạy” từ xoang xuống cơ hoành cũng có thể gây ra nấc cụt. Điều này có nghĩa chỉ cần đau họng, viêm tai hay thậm chí một sợi tóc chạm vào màng nhĩ cũng có thể gây ra tình trạng này.
Hầu hết nấc sẽ biến mất sau vài phút hoặc vài giờ. Khi chúng kéo dài hơn 48 tiếng thì bị coi là nấc cụt dai dẳng và khi kéo dài tới 30 ngày thì sẽ là nấc cụt khó trị. Bạn nên đi khám nếu nấc cụt kéo dài hơn 2 ngày vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến ăn uống, ngủ nghỉ mà còn cả tinh thần và báo hiệu một bệnh tiềm ẩn nào đó. Trong một số trường hợp, nấc có thể gây tổn thương thần kinh.
Nếu bạn từng nghiện rượu hay thuốc nặng thì việc cắt bỏ thói quen này sẽ giúp giảm nấc. Bác sĩ cũng sẽ tìm các nguyên nhân như chứng rối loạn trào ngược dạ dày thực quản, vốn là thủ phạm phổ biến gây ra nấc.
Trong một số trường hợp hiếm, nấc cũng gây tổn thương thần kinh hoặc báo hiệu một khối u trong dạ dày hay cổ.
“Cũng có những khu vực não liên quan với phản xạ nấc và đó có thể là một chứng hiếm gặp như nhiễm trùng hay u lớn”, BS. Rajapksa nói.
Theo nghiên cứu của ĐH Texas A&M, nấc cụt cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ hay vấn đề ở tim, trong một số trường hợp khác có liên quan với cục máu đông lớn.
Cuối cùng, nấc cụt có thể là tác dụng phụ của các bệnh đang tiến triển như xơ gan (sẹo màng trong gan), hay suy gan, suy thận. Nhưng thường chúng sẽ xảy ra cùng với các triệu chứng khó nhớ khác như mệt mỏi, buồn nôn, phù chân và bụng. Vì vậy không có gì chắc chắn rằng nấc cụt là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu cơ thể có điều gì đó không ổn.
Rõ ràng, cần gặp bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân cũng như cách điều trị phù hợp.
Để chữa nấc, BS. Rajapksa khuyên nên thử các cách sau: uống hay súc miệng với 1 chút nước lạnh bởi nó sẽ kích thích cổ họng. Nín thở cũng là một cách nhiều người ưa dùng.
Nhân Hà
Theo MSN