Trung Quốc: Kinh hoàng vỏ thuốc con nhộng làm từ rác thải

Ngay sau khi kênh CCTV 13, truyền hình TƯ Trung Quốc, đưa tin, liên tiếp trong 2 ngày 16 và 17/4, nhiều tờ báo của Trung Quốc đã tập trung đưa tin về vụ sản xuất và bán vỏ thuốc con nhộng làm từ da vụn hoặc giày da cũ, có chứa hàm lượng crôm độc hại cao.

Được biết, trong ngày 16/4, cảnh sát tỉnh Triết Giang đã bắt và thẩm vấn 22 nghi phạm sau khi tiến hành bắt Tống Huấn Kiệt, Giám đốc Công ty protein Học Dương, nơi sản xuất vỏ thuốc con nhộng kể trên. Trước đó (tối 15/4), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia (SFDA) đã phát thông báo khẩn yêu cầu đình chỉ bán và tiêu thụ những loại thuốc nghi là độc hại và không đảm bảo chất lượng.

 

Giới truyền thông đưa tin, ngay sau khi CCTV 13 phát sóng phóng sự gây kinh hoàng kể trên, người dân cũng như dư luận Trung Quốc vô cùng phẫn nộ về việc làm vô lương tâm của Công ty protein Học Dương.

 

Điều đáng nói nhất là sau khi phóng sự được CCTV 13 phát sóng (sáng 15/4), thì vào khoảng 15h22 ngày 15/4 (theo giờ địa phương) Giám đốc Tống Huấn Kiệt đã phóng hỏa kho nguyên liệu của Công ty protein Học Dương hòng phi tang vật chứng. Nhưng chỉ đến khoảng 16h30 cùng ngày, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã dập tắt được ngọn lửa và lập tức bắt tạm giam Tống Huấn Kiệt, niêm phong trụ sở Công ty protein Học Dương để phục vụ công tác điều tra.

 

Theo phóng sự điều tra được phát trên CCTV 13, Công ty protein Học Dương đã sử dụng vỏ thuốc con nhộng được sản xuất từ collagen công nghiệp bằng cách nấu chảy những rác thải từ ngành công nghiệp giày da.

 

Theo điều tra của phóng viên, tại những kho chứa da vụn, giày rách chất cao như núi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng bu kín. Nhưng sau khi chúng được cho vào các bể chứa với đường kính khoảng 3-4 mét ngâm với hóa chất và thuốc tẩy để tẩy trắng sẽ trở thành collagen công nghiệp. Khi đem một số mẫu collagen và vỏ thuốc con nhộng này đi kiểm tra, người ta phát hiện thấy hàm lượng crôm cao gấp 30-50 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Nếu bị một lượng crôm có độc tính cao chui qua màng tế bào có thể làm tổn thương cấu trúc ADN, suy gan, suy thận và gây ung thư.

 

Được biết, ngoài việc sản xuất vỏ thuốc con nhộng, Công ty protein Học Dương còn chế biến thạch, trân châu cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến đồ uống giải khát. Nếu không biết, nhiều người sẽ lầm tưởng những mẩu da vụn làm lót giày hoặc những mẩu da được cắt từ những chiếc giày da cũ rách là miếng bì lợn luộc sau khi nó đã được “tẩy ướp”. Giới truyền thông cho biết, các phóng viên phải mất 8 tháng nằm vùng mới hoàn tất được phóng sự kể trên.

 

Trung Quốc: Kinh hoàng vỏ thuốc con nhộng làm từ rác thải

 Bể chứa sau khi cháy

 

Vẫn theo CCTV 13, ngoài Công ty protein Học Dương, một số công ty khác ở Trung Quốc cũng đã sản xuất những loại vỏ thuốc con nhộng được làm từ collagen công nghiệp với hàm lượng crôm cao gấp nhiều lần mức cho phép. Theo thống kê sơ bộ, có 43 cơ sở sản xuất vỏ thuốc con nhộng bất hợp pháp và không có giấy phép đã bị ngừng hoạt động và những công ty này chủ yếu đặt trụ sở ở tỉnh Hà Bắc và tỉnh Giang Tây. Nhưng chỉ riêng tỉnh Triết Giang với vài chục doanh nghiệp, mỗi năm sản xuất khoảng 100 tỉ vỏ thuốc con nhộng, chiếm khoảng 1/3 sản lượng vỏ thuốc con nhộng các loại ở Trung Quốc.

 

Được biết, loại vỏ thuốc con nhộng làm từ rác thải có giá thành rẻ hơn 60-70 lần so với vỏ thuốc con nhộng thông thường. Chính vì lợi nhuận mà người ta bất chấp sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.

 

Theo kết quả thăm dò của một chương trình khảo sát quốc gia ở Trung Quốc cho thấy, gần 70% người dân Trung Quốc không tin vào chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước này. Đây là kết quả điều tra của Tạp chí Insight China và Trung tâm Tsinghua Media Survey Lab. Được biết, thời gian qua đã có khá nhiều lời phàn nàn của nhiều nước trên thế giới về chất lượng lương thực, thực phẩm cũng như sản phẩm thuốc của nước này và Chính phủ Trung Quốc buộc phải lên kế hoạch để thu hồi những sản phẩm lương thực, thực phẩm cũng như sản phẩm thuốc không an toàn nhằm lấy lại lòng tin của khách hàng.
 

Sau khoảng 1,5 tháng bị tuyên án (29/5/2007), sáng 10/7/2007, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia Trịnh Tiểu Du đã phải chấp hành bản án tử hình tại thủ đô Bắc Kinh sau khi đơn kháng án và xin ân xá của ông ta bị Tòa án tối cao bác bỏ. Trịnh Tiểu Du đã nhận hối lộ gần 6,5 triệu NDT, lạm dụng chức quyền và lơ là trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Theo thống kê, trong khoảng 7 năm tại vị (1998-2005), Trịnh Tiểu Du đã khiến thị trường thất điên bát đảo, nhất là từ năm 2002 khi Trung Quốc công bố một số tiêu chuẩn quốc gia về kiểm duyệt thuốc thì đó cũng là thời điểm quan tham này hoành hành mạnh nhất. Riêng trong năm 2004, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia đã cấp giấy phép lưu hành đối với hơn 10.000 loại thuốc mới, trong đó có nhiều loại kém chất lượng khiến nhiều người chết, tổn thương, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

 

Tuy chỉ là Cục trưởng, nhưng vụ tham nhũng, nhận hối lộ của Trịnh Tiểu Du đã khiến lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, đặc biệt là Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải can thiệp bởi quan tham này đã cấp và cho phép tiêu thụ trên thị trường nhiều loại thuốc và thực phẩm kém chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân. Vụ tham nhũng của quan tham Trịnh Tiểu Du lớn tới mức Bộ Chính trị phải họp để nghe báo cáo tường tận của Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương tiến hành.

 

Cuối năm 2011, cảnh sát Trung Quốc đã phá mạng lưới cung cấp thuốc giả trị giá 46 triệu NDT, đồng thời bắt, thẩm vấn 39 nghi phạm và niêm phong 69 cửa hàng bán thuốc giả, 20 nhà kho, một dây chuyền sản xuất và một cơ sở đóng gói sau khi phá mạng lưới này.

 

Giới chuyên môn cho biết, phần lớn thuốc giả được làm từ tinh bột và bột gan lợn - không những không có tác dụng chữa bệnh, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe. Bộ Công an cho biết, sử dụng phải thuốc giả rất nguy hiểm bởi có thể bị mắc những bệnh như loãng xương, tiểu đường, loét tá tràng hoặc bệnh về đường tiêu hóa, cũng như gây tổn thương cho thận hoặc gan…

 
Theo Quốc Tuấn - Khắc Dũng

Công an nhân dân