Trong 4 ngày phát hiện 7 trường học “dính” cúm
(Dân trí) - Sau trường Lê Hồng Phong, Quốc Văn-Sài Gòn, Hòa Bình, Duy Tân, Lam Sơn, nay lại thêm các trường Lê Quý Đôn, Thái Bình có học sinh nhiễm cúm. Chỉ trong 4 ngày, ngành y tế TPHCM đã phải giám sát 7 ổ dịch cúm A/H1N1 ở trường học.
Một góc khu cách ly tại bệnh viện dã chiến trường Quốc Văn - Saigon
Trước đó, ngày 19/8, khi thấy 8 học sinh của trường có triệu chứng sốt, ho, BGH trường Thanh Bình đã thông báo ngay cho Sở Y tế. Trung tâm Y tế dự phòng Q.Tân Bình đã tiến hành điều tra dịch tễ, tạm thời cách ly 8 học sinh này trong một phòng riêng. Đến sáng ngày 20/8, nhân viên y tế đã khám sàng lọc và phát hiện thêm 8 trường hợp nữa nghi mắc cúm. Trong ngày 20/8, toàn bộ trường học đã được khử khuẩn theo quy định.
Trong khi đó, tại trường THCS Lam Sơn (Q. 6), tối 19/8 đã có 2 học sinh được xác định dương tính với cúm A/H1N1, hiện được điều trị cách ly tại Bệnh viện Quận 6. Ngày 20/8 đã có thêm 17 học sinh cùng học lớp 8T2 nhiễm cúm và được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Trong sáng nay, TS.BS Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết, một số trường hợp học sinh trường Lê Quý Đôn gửi xét nghiệm đều có kết quả PCR dương tính với cúm A/H1N1. Tại trường Hòa Bình, tổng số ca nhiễm cúm đã tăng lên 8.
Đà Nẵng: Chưa tìm được bệnh nhân cúm A/H1N1 ở ngoài cộng đồng
Chiều 20/8, trao đổi với Dân trí, BS Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết vẫn chưa tìm được bệnh nhân T.H.P (42 tuổi, trú tại tổ 39, phường Hoà Khê, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng), người có mẫu bệnh phẩm xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 được viện Pasteur Nha Trang phát hiện từ ngày 15/8.
Theo BS. Nguyễn Út cho biết, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân P. được lấy từ ngày 30/7 theo chương trình Giám sát cúm mùa trên địa bàn Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) nhưng trong quá trình xét nghiệm bệnh phẩm lại phát hiện mẫu bệnh phẩm của ông P dương tính với cúm A/H1N1.
Ngành chức năng đã tìm đến địa chỉ thường trú bệnh nhân đăng ký nhưng ông P. hiện không còn ở tại địa chỉ trên, số điện thoại bệnh nhân đăng ký cũng không còn liên lạc được.
Ông Út xác nhận trường hợp này không loại trừ khả năng bệnh nhân thuộc dạng lành mang trùng, người đã nhiễm virus cúm A/H1N1 nhưng lại không có dấu hiệu bệnh lý như sốt cao, đau họng...
Theo nghiên cứu mới đây thì khả năng có đến 30% bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 là bệnh lành mang trùng. Hai trường hợp tử vong do nhiễm cúm ở nước ta vẫn chưa xác định được nguồn lây, càng cho thấy nguy cơ nhiễm cúm từ bệnh lành mang trùng ngoài cộng đồng. Do đó, Sở Y tế đã khuyến cáo người dân tăng cường chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trước hết bảo vệ sức khoẻ cá nhân, không ảnh hưởng đến sức khoẻ người thân trong gia đình và cộng đồng. |
Ngọc Thanh - Khánh Hiền