Triệu chứng nhiễm giun móc
Mỗi con giun móc có thể hút 0,1-0,4 ml máu/ngày. Lúc này các triệu chứng của thiếu máu sẽ xuất hiện như da xanh, hoa mắt, chóng mặt, đánh trống ngực.
Không như các bệnh giun tròn đường ruột khác, ấu trùng giun móc xâm nhập vào cơ thể bằng cách xuyên qua da. Vì thế, ở thời kỳ đầu, người bệnh có thể có các biểu hiện như viêm da, nổi sẩn ngứa. Các triệu chứng chỉ tồn tại 1-2 tuần nên người bệnh ít để ý.
Khi vào cơ thể, ấu trùng giun móc có một giai đoạn ngắn cư trú ở phổi, lúc này có thể thấy các biểu hiện ho, khó thở. Vào thời kỳ toàn phát, giun cư trú ở ruột non, bám vào thành ruột và hút máu. Mỗi con giun móc có thể hút 0,1-0,4 ml máu/ngày. Lúc này các triệu chứng của thiếu máu sẽ xuất hiện như da xanh, hoa mắt, chóng mặt, đánh trống ngực. Người bệnh cũng có thể có các rối loạn thần kinh như nhức đầu, dễ quên, giảm trương lực cơ...
Khi thấy có các biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun móc (nhất là với những người sống ở vùng trồng hoa màu sử dụng phân tươi), nên đến trung tâm y tế hoặc các phòng khám chuyên khoa truyền nhiễm để được tư vấn kịp thời. Bệnh giun móc rất dễ bị tái nhiễm, vì vậy điều trị định kỳ là rất cần thiết.
Theo BS Nguyễn Thọ
Sức Khỏe & Đời Sống