Triệu chứng của bệnh ung thư diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc từng mắc
(Dân trí) - Tại Việt Nam, mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung, 14 trường hợp mắc mới. Là căn bệnh có thể điều trị hiệu quả, tuy nhiên nhiều người bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo sớm.
Khoảng 6.000 phụ nữ Việt mắc ung thư cổ tử cung mỗi năm
Cổ tử cung là một phần thuộc tử cung, nơi nối tiếp của âm đạo với tử cung, được bao phủ một lớp mô mỏng gồm nhiều tế bào. Bệnh ung thư cổ tử cung gây ra bởi sự phát triển bất thường, không kiểm soát của các tế bào ở cổ tử cung. Các tế bào phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u ở cổ tử cung.
Năm 2018, có khoảng 570.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung trên toàn cầu. Ung thư cổ tử cung là một trong những loại bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam. Theo đó, mỗi năm nước ta có khoảng 6.000 phụ nữ phát hiện bệnh và hơn một nửa số đó tử vong.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Công Định, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở II, độ tuổi thường mắc ung thư cổ tử cung là 21 – 65 tuổi, trong đó nhóm có nguy cơ cao nhất là 30 – 50 tuổi.
90% bệnh nhân sống trên 5 năm nếu phát hiện sớm
Đối với ung thư cổ tử cung, phát hiện sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. 90% phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung có thể sống trên 5 năm nếu được điều trị khi bệnh ở giai đoạn đầu. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là 20% nếu bệnh được phát hiện khi đã ở giai đoạn tiến triển.
“HPV (Human Papillomavirus) là nguyên nhân của 99% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, quá trình từ khi nhiễm HPV cho đến khi tiến triển thành ung thư cổ tử cung kéo dài 10 – 15 năm. Do đó hoàn toàn có thể phát hiện mầm mống gây ung thư từ rất sớm”, BS Định cho hay.
Theo chuyên gia này, các tổn thương tiền ung thư có thể phát hiện tương đối đơn giản khi thăm khám, ví dụ như nhìn bằng mắt thường qua mỏ vịt.
Khi phát hiện những tổn thương này, bệnh nhân sẽ được theo dõi vì chúng có thể tự khỏi hoặc có thể dùng các biện pháp như áp lạnh cổ tử cung. Bệnh có thể điều trị dứt điểm đồng thời bảo tồn khả năng sinh sản của người bệnh.
Trong trường hợp phát hiện bệnh khi đã tiến triển thành ung thư cổ tử cung thì việc điều trị sẽ rất khó khăn.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung
- Ra máu âm đạo bất thường: Theo BS Định, ra máu âm đạo bất thường là dấu hiệu quan trọng nhất, cảnh báo ung thư cổ tử cung, đặc biệt là ra máu sau giao hợp. “Cổ tử cung bình thường tương đối chắc. Tuy nhiên, khi bị tế bào ung thư xâm lấn, nó sẽ trở nên mềm và rất dễ chảy máu”, BS Định lý giải.
- Khí hư có mùi hôi: Ra nhiều khí hư có mùi hôi, theo BS Định, thường do tình trạng viêm nhiễm ở âm đạo, cổ tử cung gây ra. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung cũng có thể dẫn đến viêm nhiễm, nên không loại trừ hoàn toàn khả năng mắc căn bệnh này.
- Đau, khó chịu khi quan hệ tình dục: Đau khi quan hệ tình dục có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Mặc dù vậy các chuyên gia vẫn khuyến cáo bạn nên thăm khám để có hướng điều trị phù hợp hoặc phát hiện được ung thư cổ tử cung ngay từ giai đoạn đầu.
- Đau vùng xương chậu, đau lưng dưới:Các cơn đau có thể từ âm ỉ đến buốt, tập trung ở một vị trí ở vùng xương hông sau đó khuếch tán dần hoặc có thể xuất hiện cùng lúc ở bất kỳ khu vực nào ở xương hông. Nếu cơn đau chỉ mới gần đây và bạn đang không trong kỳ kinh nguyệt thì có thể đó chính là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung.
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Ung thư cổ tử cung gây mất cân bằng hormone trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển và rụng trứng, do đó, bạn có thể bị chậm kinh, kinh nguyệt có màu đen sẫm…
- Thay đổi thói quen đi tiểu: Tiểu tiện, đại tiện không kiểm soát hoặc có ít máu trong nước tiểu có thể là triệu chứng cảnh báo ung thư cổ tử cung. Theo BS Định, tình trạng này có nguyên nhân từ việc khối u phát triển chèn ép lên các cơ quan khác như trực tràng, bàng quang…
- Sưng đau ở chân: Khi khối u phát triển lớn dần sẽ gây chèn vào các dây thần kinh và mạch máu ở vùng xương chậu gây ra đau và sưng chân.
Biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả, theo BS Định, chị em phụ nữ cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Với phụ nữ trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi, nên tiêm phòng vắc xin ung thư cổ tử cung.
- Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên và đã có quan hệ tình dục nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ 3 năm/lần và kết thúc ở tuổi 65. Bên cạnh đó, chị em cũng nên khám phụ khoa định kỳ.
- Trong lối sống tình dục, nên hạn chế bạn tình, sinh hoạt tình dục lành mạnh và có sử dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
Mới đây, trong chương trình “Chị em chúng mình”, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc bất ngờ tiết lộ việc cô từng bị ung thư cổ tử cung cách đây 2 năm. Câu chuyện này được nữ diễn viên “Cánh đồng bất tận” giấu kín suốt thời gian qua.
Sau khi chương trình phát sóng, thông tin được nhiều người chia sẻ và quan tâm nhưng Ninh Dương Lan Ngọc vẫn không lên tiếng chia sẻ gì thêm. Trên trang cá nhân cô vẫn chia sẻ hình ảnh vui tươi, hạnh phúc của mình ở hiện tại.