1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Triệu chứng cảnh báo trầm cảm "hậu Covid-19" dễ bị bỏ sót

Minh Nhật

(Dân trí) - Tâm lý căng thẳng kéo dài khi mắc bệnh Covid-19 cùng với sự tấn công của virus gây tổn thương hệ thần kinh khiến nhiều người bị trầm cảm hậu Covid-19.

6 triệu chứng cảnh báo trầm cảm "hậu Covid-19"

Triệu chứng cảnh báo trầm cảm hậu Covid-19 dễ bị bỏ sót - 1

Theo BS Phạm Văn Dương - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, những bệnh nhân sau mắc Covid-19 hay những bệnh nhân có hội chứng Covid-19 kéo dài có những dấu hiệu và triệu chứng sau, kéo dài từ 2 tuần trở lên, cần quan tâm và chẩn đoán trầm cảm sớm:

- Bệnh nhân cảm thấy buồn chán, chán nản, khí sắc trầm liên tục và kéo dài.

- Giảm năng lượng, tăng sự mệt mỏi.

- Giảm quan tâm với các hứng thú, thích thú hàng ngày.

- Cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng, giảm giá trị bản thân, giảm giao tiếp với mọi người.

- Cảm thấy tự ti, mặc cảm, thiếu sự tôn trọng.

- Có những thay đổi liên quan giấc ngủ và chế độ ăn. "Có thể bệnh nhân ngủ ít hơn, khó đi vào giấc ngủ, thức dậy sớm hơn", BS Dương cho hay.

"Khi có những dấu hiệu này, bệnh nhân cần đến với các nhân viên y tế để được tư vấn, hỗ trợ sớm nhất các rối loạn về trầm cảm", BS Dương nhấn mạnh.

Không chủ quan với trầm cảm hậu Covid-19

Thời gian vừa qua Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân tới khám tâm thần sau khi mắc Covid-19. Nhiều người trước đây sức khỏe bình thường, khi mắc Covid-19 triệu chứng cũng rất nhẹ, nhưng hậu Covid-19 lại phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Các bệnh nhân đến khám sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 chủ yếu mắc các triệu chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Bệnh nhân thường rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, dễ cáu, khó kiểm soát cảm xúc.

Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, vừa qua tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nữ 37 tuổi. Khi bị Covid-19 bệnh nhân này gần như không có triệu chứng gì, nhưng sau khi khỏi, chị thường xuyên cảm thấy khó ngủ.

Có hôm vào lúc gần sáng, chị cảm giác trong họng có đờm, khó thở, tim đập nhanh, hồi hộp trống ngực, run lẩy bẩy, vã mồ hôi, mệt rũ rượi. Sáng hôm sau, bệnh nhân vội vã đi bệnh viện thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc rối loạn hoảng sợ hậu Covid-19.

Nặng hơn, có các trường hợp nảy sinh ý muốn tự tử sau khi thành F0.

Do đó, TS Thu nhấn mạnh rằng, các gia đình cần đặc biệt quan tâm đến người nhà có rối loạn lo âu, trầm cảm (nếu có). Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bệnh nặng hơn sau khi mắc Covid-19, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở chuyên khoa về tâm thần để được thăm khám và điều trị kịp thời.