1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trí tuệ nhân tạo, cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư

(Dân trí) - Bệnh ung thư có xu hướng gia tăng dẫn tới quá tải tại các bệnh viện đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối trên cả nước. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư đang mang lại những kết quả khả thi, mở cánh cửa sự sống cho bệnh nhân ung thư.

Việc điều trị bệnh ung thư cho bệnh nhân đòi hỏi bác sĩ phải thường xuyên cập nhật các hướng dẫn, phác đồ điều trị mới. Hiện nay phần mềm trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán điều trị ung thư đã được ứng dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới mang lại những kết quả khả thi. Tại Việt Nam hệ thống trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology (IBM WfO) mới được ứng dụng ở một số bệnh viện, trong đó Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Trí tuệ nhân tạo, cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư - 1

Trí tuệ nhân tạo đang hỗ trợ tích cực các bác sĩ trong chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho người bệnh (ảnh: five9)

Trong Hội nghị Quốc tế “Informatics về sức khỏe” lần thứ nhất, tổ chức tại TPHCM (ngày 16/10) BS Võ Đức Hiếu, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Ung Bướu cho hay: IBM Watson for Oncology (IBM WfO) là hệ thống điện toán biết nhận thức, được phát triển từ sự kết hợp giữa phần mềm trí tuệ nhân tạo IBM Watson và chuyên môn chuyên sâu về ung thư học.

Hệ thống có khả năng cung cấp cho bác sĩ những tài liệu nghiên cứu mới nhất, những chỉ dẫn chi tiết từ các chuyên gia đầu ngành của Mỹ dựa trên cơ sở dữ liệu lớn từ hơn 100 triệu hồ sơ bệnh án, 30 tỷ hình ảnh, 15 triệu trích dẫn y khoa và hơn 40 triệu tài liệu nghiên cứu khác. Đây là cơ sở quan trọng giúp bác sĩ đưa ra phác đồ tối ưu được cá thể hóa cho từng người bệnh, hỗ trợ điều trị tới 13 loại ung thư phổ biến.

Bệnh viện Ung Bướu đã triển khai thí điểm 2 giai đoạn, trong đó gia đoạn 1 được thực hiện trên cơ sở hồi cứu 229 hồ sơ bệnh án. Các đã chọn ngẫu nhiên 10 bệnh nhân ung thư vú và 10 ca ung thư đại – trực tràng đưa ra hội đồng chuyên môn đánh giá nhằm xác định tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ điều trị của bệnh viện đang áp dụng và phác đồ của hệ thống trí tuệ nhân tạo. Kết quả cho thấy, hệ thống hỗ trợ hầu hết các giai đoạn của ung thư vú và ung thư đại – trực tràng. Tỷ lệ tương đồng của ung thư đại - trực tràng là 88,1%; ung thư vú là 71%.

Ở giai đoạn 2 của kế hoạch thí điểm, các bác sĩ đã áp dụng vào thực hành lâm sàng trên 151 bệnh nhân thuộc 10 khoa phòng với 13 loại ung thư được hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ. Nghiên cứu tập trung đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng tới sự tương đồng, lợi ích và khả năng ứng dụng của hệ thống trí tuệ nhân tạo trong điều trị.  

Thực tế cho thấy, hệ thống giúp các bác sĩ cập nhật những phác đồ mới, bổ sung thêm thông tin và hạn chế những sai sót trong quá trình ra quyết định điều trị; đưa ra được các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn, có hỗ trợ khá chuyên sâu về các phác đồ hóa trị, nội tiết; hỗ trợ tìm kiếm tài liệu một cách nhanh nhất; phát huy tối ưu hiệu quả khi áp dụng mô hình hội đồng chuyên gia (Tumor board).

Hệ thống đã hỗ trợ phần lớn các mặt bệnh phổ biến tại bệnh viện. Đa số các phác đồ hệ thống đưa ra khá tương đồng với các phác đồ điều trị tại khoa. Hệ thống còn đưa ra được thời gian biểu tham khảo cho cả quá trình điều trị của người bệnh, giúp ước lượng được thời gian điều trị cho từng người bệnh. Hệ thống đưa ra được phân loại giai đoạn tiên lượng dựa trên dữ liệu lâm sàng lớn.

BS Hiếu cho rằng, với sự hỗ trợ tích cực từ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư, bệnh nhân sẽ được chăm sóc, điều trị tối ưu nhất, tiến tới cá thể hóa trong phác đồ điều trị. Trí tuệ nhân tạo đang tạo bước tiến vượt bậc, giúp các bác sĩ tiếp cận nhanh nhất với những tiến bộ mới trong điều trị, mang tới cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư.

Vân Sơn