Trẻ sơ sinh tăng cân nhanh dễ bị béo phì?
Khi mới sinh con, tăng cân chậm hay quá nhanh đều khiến các bà mẹ phải lo lắng. Vậy đối với với trẻ sơ sinh, mỗi tháng tăng bao nhiêu mới không bị béo phì? Trẻ thường hay vặn mình có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Hỏi: Tôi sinh mổ được một bé trai nặng 3,5 kg, chiều dài 53 cm. Nay cháu được 2 tháng tuổi. Đi khám định kỳ tháng thứ nhất cháu tăng được 1,2 kg, cao thêm 4 cm. Lần khám định kỳ thứ hai cháu tăng 2 kg, cao thêm 7 cm. Mọi người cảnh báo tôi coi chừng cháu bị béo phì. Xin hỏi bác sĩ có phải như vậy không?
Đáp: Trong năm đầu đời, sự phát triển của trẻ quan trọng nhất là tăng cân, trọng lượng cho phép trong năm đầu tiên mà bé tăng cân có thể lên 12 kg. Con bạn ở tháng thứ nhất tăng được 1,2 kg, tháng thứ 2 tăng 2 kg cũng chưa thể nói là béo phì.
Thời gian này trẻ tiếp tục lớn nhanh, đến cuối năm cân nặng tăng gấp 3 lần lúc mới sinh, chiều dài tăng 25 cm (tức là cháu sẽ cao vào khoảng 75 cm), vòng đầu tăng 10cm. Lớp mỡ dưới da phát triển mạnh làm cho trẻ có vẻ bụ bẫm và mập tròn, quá trình chuyển hóa các chất rất cao, đồng hóa chiếm ưu thế, nhu cầu năng lượng tăng gấp 3 lần so với người lớn, nhưng chức năng tiêu hóa rất dễ bị rối loạn nếu trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ.
Nếu bé của chị được nuôi bằng sữa mẹ thì nguy cơ béo phì không cao. Hiện tại nên cho bé bú theo nhu cầu, sau thời kỳ cai sữa nếu có chế độ ăn uống, vận động hợp lý bé sẽ săn chắc lại.
Trong năm đầu, não phát triển cũng rất nhanh từ 350 gr lúc mới đẻ đạt 900 gr lúc 12 tháng. Tuy vậy, quá trình hưng phấn và ức chế vẫn có xu hướng lan tỏa nên sự phối hợp động tác chưa nhiều, các cơ vẫn có thể co ngoài ý muốn hoặc trong trường hợp thiếu canxi trẻ có thể hay vặn mình. Hiện tượng này sẽ hết sau một thời gian hệ não bộ và thần kinh phát triển đầy đủ. Nếu có thể, bạn nên cho bé tắm nắng vào buổi sáng, mỗi ngày 20-30 phút cho bé cứng cáp và tăng cường quá trình chuyển hóa canxi cho cơ thể.
Theo BS Bạch Long
Thanh niên