Trẻ sơ sinh 6kg: Gia đình có “truyền thống” sinh con to
Bé vừa chào đời tại BV Từ Dũ TPHCM đã có cân nặng bằng em bé 4 tháng tuổi. Quần áo đồ dùng của bé cũng từ… số 2 trở lên.
Ngày 5/2, PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân, Trưởng Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ kiêm Chủ tịch Hội Chu sinh và Sơ sinh TPHCM, cho biết, bé sơ sinh này là trường hợp em bé sơ sinh có cân nặng to nhất mà bệnh viện từng ghi nhận được trong suốt mấy chục năm qua ở một sản phụ bình thường, khỏe mạnh. Trong khi đó, những “bé bự” trên 4kg từ những sản phụ bị bệnh đái tháo đường thì không hiếm.
Bé gái sinh ngày 2/2/2012, với cân nặng 6kg. Bé là con thứ hai của sản phụ Đỗ Thị An và anh Trương Minh Thiện, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM.
PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân, Trưởng Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ kiêm Chủ tịch Hội Chu sinh và Sơ sinh TPHCM đang khám cho rồng vàng khủng
Anh Thiện cho biết, gia đình anh chắc có “gen” di truyền sinh con to vì cả 10 anh chị em trong gia đình đều sinh con từ 4kg trở lên. Vợ anh làm văn phòng, khi mang thai bé trai đầu tiên chị An tăng 20kg và sinh ra bé cân nặng 4,7kg , nay bé trai đã được 5 tuổi với cân nặng 32kg. Còn lần mang thai thứ hai này, chị An tăng 21 kg và không ngờ sinh ra bé gái to hơn anh trai đến 1,3kg như vậy.
Anh Thiện hạnh phúc chia sẻ, trước sinh 1 tháng bác sĩ dự sinh là bé sẽ to nhưng cũng cỡ anh hai của bé, không ngờ những ngày của tháng cuối bé tăng cân nhanh quá. BS dự đoán, cháu sẽ chào đời ngày 5/2 nhưng hôm 2/2, huyết áp bà xã hơi tăng một chút nên bác sĩ cho nhập viện để mổ bé con. Do có kinh nghiệm từ lần sinh trước nên khi sắm đồ, vợ chồng anh Thiện không mua nhiều và mua đồ từ số 2 trở lên. Lần sinh trước anh chị phải bỏ hết vì mua số 1, không dùng vừa.
Được biết, trong suốt thời gian mang thai chị An chỉ thăm khám thai tại phòng mạch riêng của một bác sĩ quen. Chị An cũng không ăn nhiều, hiện nay, chị chỉ ăn một bát cơm mỗi bữa với đồ ăn. Chị An bình thường cũng cao to (cao 1m60, nặng 61kg, khi có bầu tăng 21kg) nên chuyện mang thai to không làm cho chị mệt mỏi hay ốm nghén nhiều, anh Thiện cho biết thêm.
Do sinh mổ nên ngày 5/2 chị An mới bắt đầu có sữa để vắt vào bình cho bé bú ở trên khoa Sơ Sinh.
PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân cho biết, vẫn phải theo dõi sức khỏe của bé ở khoa Sơ Sinh thêm 2-3 ngày nữa mới cho xuống phòng hậu sản nằm với mẹ được. Mặc dù bé sinh to nhưng không được khỏe. Ngày 5/2, bé vẫn còn thở nhanh nên phải thở oxy, phổi bé cũng chưa tốt lắm, da bị vàng nên đang được chiếu đèn. Bé bú được hơn 30ml/lần, ngày bé bú 8 lần và các bác sĩ cũng truyền thêm nước đường để bé không bị hạ đường huyết, vì trẻ to con dễ bị tụt đường huyết.
Chăm sóc và nuôi một em bé bự thì người mẹ phải vất vả hơn vì nhu cầu dinh dưỡng của bé rất cao, bú nhiều hơn các bé cùng tháng tuổi khác.
PGS.TS.BS Minh Xuân cho biết thêm, cân nặng thông thường của một em bé khi sinh ra là khoảng 2,5-3,5kg. Một em bé sinh ra với cân nặng 3kg thì ba mẹ phải nuôi 3,5-4 tháng mới nặng được 6kg như vậy. Trẻ sinh nhỏ quá hay to cũng không tốt, người chăm sóc trẻ phải theo dõi sát tình trạng sức khỏe của trẻ.
Sinh con to chưa chắc đã… khỏe
TS.BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Từ Dũ TPHCM cho biết, mẹ sinh con to có thể xảy ra nhiều nguy cơ, trong đó nguy hiểm và dễ gặp là băng huyết sau sinh (chảy máu sau sinh). Trong trường hợp này, thai nhi quá lớn nên bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã phẫu thuật giúp bé chào đời.
PGS.TS.BS Minh Xuân khuyến cáo, những em bé có cân nặng quá lớn thường tiềm ẩn những nguy cơ về sức khỏe như hạ đường huyết, suy hô hấp, lượng hồng cầu trong máu cao,... Đối với trường hợp bé bự “rồng vàng” này, vẫn được chăm sóc theo dõi chặt chẽ các chức năng (hô hấp, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, cơ xương khớp,...) tại Khoa Sơ sinh của bệnh viện. |
Khoa học và Đời sống