Trẻ liên tục gặp nạn mùa hè: Ong đốt, rắn cắn, té xe đạp phải mổ
(Dân trí) - Chỉ trong thời gian ngắn của mùa hè, hàng loạt trẻ bị các tai nạn nguy hiểm khác nhau đã được ghi nhận.
Mới đây, một bé gái tên N.Q. (7 tuổi, quê tỉnh Vĩnh long), được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng sức khỏe biến chứng nặng. Khai thác bệnh sử, sau khi bị ong đốt khoảng 30 phút, bé có biểu hiện nổi mày đay toàn thân, mệt và khó thở.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ tại khoa Cấp Cứu lập tức thăm khám và nhận định đây là trường hợp sốc phản vệ do ong đốt với các triệu chứng lâm sàng, mạch nhanh, huyết áp tụt. Bệnh nhi được sử dụng thuốc chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế, nhờ vậy nhanh chóng giảm khó thở, mạch, huyết áp trở lại bình thường, giảm nổi mày đay.
Sau hơn 4 ngày điều trị tích cực tại khoa Nhi, sức khỏe bé gái ổn định và được xuất viện.
Trước đó vào giữa tháng 6, khi đang chơi trước sân nhà, bé gái tên Th. (11 tuổi, ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An) bị ong vò vẽ bay từ trên cây xuống đốt 52 vết. Khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé đã trong tình trạng lơ mơ, tím tái, thở co kéo, huyết áp khó đo, vàng da và mắt, tiểu ít...
Vết ong đốt rải rác khắp người trẻ, trong đó có vài nốt đốt gây hoại tử trung tâm, sưng bầm tím xung quanh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi có biểu hiện toan hóa máu, tổn thương thận, gan, tán huyết, chẩn đoán phản vệ độ 3 do ong vò vẽ đốt 52 mũi giờ thứ 3, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan.
Trẻ được xử trí đặt nội khí quản, chống sốc phản vệ theo phác đồ, dùng kháng sinh, vitamin K1, lọc máu. Sau gần 2 tuần điều trị với 3 đợt lọc máu liên tục, bệnh nhi được cai máy thở, chức năng gan thận trở về bình thường.
Theo các bác sĩ, sốc phản vệ là tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong, cần được cấp cứu và xử trí kịp thời. Nếu sau khi bị côn trùng cắn, người bệnh có các biểu hiện nổi mề đay toàn thân, mệt, khó thở… cần lập tức được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.
Cũng trong mùa hè, lần lượt 2 trẻ ở Tây Ninh và Kiên Giang bị rắn độc cắn khi đi ngang bụi cỏ và ngay tại nhà bếp, phải nhập viện cấp cứu tại TPHCM. Trong đó, cháu bé 11 tuổi ở Kiên Giang phải đặt nội khí quản thở máy, truyền 8 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và nằm điều trị nhiều ngày ở khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), Bệnh viện Nhi đồng 1.
Phó giáo sư Phạm Văn Quang, Trưởng khoa ICU, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tai nạn rắn cắn thường xảy ra nhiều vào mùa mưa do rắn hay bò vào nhà, nhất là ở vùng nông thôn. Khi bị rắn cắn, người dân không nên rạch vết cắn, nặn, hút nọc, đắp lá cây hay buộc garo vì làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết.
Vừa qua, một bé trai tên N. (8 tuổi, quê Hòa Bình) trong lúc chạy xe đạp đã bị ngã. Bé chống tay xuống đất dẫn đến trật khớp và gãy xương tay trái, phải bó bột trong nhiều tuần.
Tuy nhiên sau khi tháo bột, tay của bé không thể co duỗi bình thường được. Tại bệnh viện, kết quả chụp CT cho thấy có mảnh xương vỡ mắc kẹt trong khớp bệnh nhân. Để xử trí, bác sĩ phải thực hiện phẫu thuật đưa lại phần xương gãy về vị trí ban đầu cho bé.
Trước đó, đã từng có trường hợp bé 6 tuổi không may bị kẹt gót chân vào nan hoa (căm) bánh xe đạp khi chạy chơi mùa hè, gây ra vết thương rách da phức tạp. Sau khi được đưa vào điều trị tại tuyến cơ sở nhưng không đỡ, bé phải chuyển đến tuyến trên.
Thời điểm vào Bệnh Viện Nhi Trung ương (Hà Nội), tình trạng vết thương vùng gót chân của trẻ khá nghiêm trọng, lộ gân và đã gây viêm, hoại tử, chảy dịch. Bệnh nhi phải phẫu thuật cắt lọc, chuyển vạt da che phủ khuyết hổng, chăm sóc và rửa vết thương hàng ngày.
Các bác sĩ khuyến cáo, dịp hè trẻ được nghỉ học, phụ huynh cần kiểm soát chặt khi trẻ đi chơi, chạy xe. Tránh để trẻ leo trèo hái trái cây hoặc vào bụi rậm có thể bị tai nạn do té ngã, hoặc bị động vật tấn công.
Khi đi dã ngoại trong rừng hay vườn cây, cần lưu ý tránh mặc những quần áo sặc sỡ hay thoa nhiều dầu thơm, dễ thu hút những động vật như ong đến tấn công.