1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ em dễ bị biến chứng viêm kết mạc vì đau mắt đỏ

(Dân trí) - Dù số người đau mắt đỏ đang giảm xuống, nhưng vẫn xuất hiện theo “chùm” ca bệnh, một người bị là cả nhà bị lây, lây cho cơ quan, lớp học… do khâu vệ sinh, phòng bệnh chưa tốt. Trẻ em cũng dễ bị biến chứng do dụi mắt, vệ sinh mắt không triệt để.

BS Hoàng Cương, BV Mắt T.Ư cho biết, đặc điểm nổi bật của dịch đau mắt đỏ năm nay là nhiều người bệnh diễn tiến lâu khỏi hơn và bị bệnh theo cả gia đình. Rất nhiều gia đình cả vợ chồng, con cái, ông bà đều bị đau mắt đỏ.
 
Trẻ em là đối tượng dễ bị lây đau mắt đỏ do ý thức phòng bệnh chưa tốt và

Trẻ em là đối tượng dễ bị lây đau mắt đỏ do ý thức phòng bệnh chưa tốt và
cũng dễ bị biến chứng viêm kết giác mạc do việc vệ sinh mắt, điều trị không triệt để. Ảnh: H.H

Nguyên nhân khiến cả gia đình đều bị đau mắt đỏ chủ yếu là do khâu phòng bệnh chưa tốt. Nhiều người dù rửa mắt, nhỏ thuốc cho con, khi nước mắt trẻ bị chảy vào chăn, ga, gối thì cũng không thay mà cả gia đình vẫn ngủ và dễ dàng lây lan. Hay các vật dụng sinh hoạt trung trong gia đình như điều khiển ti vi, cốc uống nước… hoàn toàn có thể xảy ra tình huống trẻ rụi mắt, rồi cầm vào các vật chung đó, người lớn không biết cầm phải, rồi lại vô tình đưa tay lên mắt…

“Bất cứ căn bệnh nào lây lan qua đường hô hấp đều có tốc độ lây truyền nhanh và đau mắt đỏ cũng không là ngoại lệ. Vi rút dễ dàng lây qua hô hấp, tiếp xúc, lây qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống… Đáng sợ nhất là giai đoạn ủ bệnh bởi tốc độ lây truyền nhanh nhất cũng là ở giai đoạn này. Khi mới nhiễm vi-rút, người bệnh không có triệu trứng nên không biết để phòng ngừa cho người khác. Vì thế thường xảy ra tình trạng cả nhà cùng đau mắt đỏ vì lây lan nhau. Nhiều trường hợp, người lớn khỏi rồi nên chủ quan khi chăm sóc con dẫn đến tái nhiễm”, BS Cương nói.

Đáng nói, dịch năm nay có một đặc thù, đó là số người bị đau mắt đỏ điều trị kéo dài ngày hơn và nhiều trẻ nhỏ diễn tiến nặng vì cha mẹ không biết chăm sóc.

Trong một buổi khám, bác sĩ có thể gặp 10 – 15  trường hợp bệnh nhân bị biến chứng viêm kết, giác mạc do đau mắt đỏ (chiếm 10 – 15% trong tổng số bệnh nhân đau mắt đỏ tới khám). Khi đã bị viêm giác mạc, thời gian điều trị kéo dài gấp 3 – 4 lần điều trị đau mắt đỏ với chi phí tốn kém hơn nhiều (chi phí chữa đau mắt đỏ chỉ khoảng 150 nghìn tiền thuốc). Chưa kể tình trạng viêm giác mạc kéo dài khiến người bệnh vô cùng khó chịu, luôn bị đỏ mắt (mặc cảm khi đối diện với người khác vì sợ lây bệnh), đau chói mắt, cộm mắt… ảnh hưởng đến công việc và học tập.

Nhất là ở trẻ em, bị biến chứng viêm kết mạc, thời gian điều trị càng lâu hơn bởi trẻ nhỏ không ý thức được, vẫn luôn tay dụi mắt khiến tổn thương lâu hơn.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (Xa La, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, con gái 1 tuổi của chị mắt sưng húp không thể mở được sau 3 ngày điều trị tại nhà. Vì điều kiện không nghỉ làm được, chị đã dặn người nhà nhỏ thuốc cho con, nhưng người lớn khi nhớ khi quên, rồi không để ý được khiến bé liên tục dụi mắt, đến mức mắt sưng, kèn đặc dử, rồi rụng cả mi mắt.

Khi đưa con đến khám tại BV Mắt Trung ương, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm giác mạc do biến chứng, chăm sóc, điều trị không đúng. Tình trạng viêm của cháu phải điều trị cả tháng trời mới mong ổn định. Hiện bé rất bị chói, cộm, dử mắt nhiều và phải dùng nhiều loại thuốc kết hợp.

“Con còn nhỏ, mỗi lần bế vật con ra để rửa mắt, nó cong người lên chống lại, khóc ngằn ngặt lại sợ con nôn trớ, rồi khóc nhiều viêm họng… nên nhiều khi nhỏ giọt được, giọt không. Chủ quan để giờ không chỉ có một loại thuốc, mà phải nhỏ thêm rất nhiều loại thuốc, càng khó khăn hơn”, chị Hạnh lo lắng nói.

Theo BS Cương, trường hợp đau mắt đỏ dẫn đến viêm giác mạc như cháu bệnh nhi này không phải cá biệt mà rất phổ biến. Có bệnh nhân bị biến chứng viêm giác mạc nặng, phải điều trị liên tiếp 6 tháng mới ổn định, với chi phí điều trị vô cùng tốn kém, gấp hàng vài chục lần so với điều trị đau mắt đỏ thông thường. Chưa kể tình trạng viêm giác mạc kéo dài khiến người bệnh vô cùng khó chịu, luôn bị đỏ mắt (mặc cảm khi đối diện với người khác vì sợ lây bệnh), đau chói mắt, cộm mắt… ảnh hưởng đến công việc và học tập.

Khi bị đau mắt đỏ thường chỉ cần chăm sóc, giữ vệ sinh mắt, rửa mắt hàng ngày nhiều lần bằng nước muối sinh lý, sau 7 - 10 ngày bệnh sẽ khỏi mà không phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, trong mùa dịch này, số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ kéo dài hơn 10 ngày rất phổ biến. Theo BS Hoàng Cương, nhiều khả năng do việc tự dùng các loại thuốc, khiến tình trạng bệnh nặng hơn, hay việc bệnh nhân tự ý dùng các thuốc chứa desamethasol lâu ngày khiến hệ miễn dịch mắt suy giảm, thời gian hồi phục cũng lâu hơn. Hơn nữa, nhiều người chỉ chăm chăm nhỏ thuốc mà quên mất khâu rửa, vệ sinh mắt thật sạch trước khi nhỏ thuốc để đẩy vi rút ra ngoài, nên thời gian khỏi bệnh cũng lâu hơn.

Người lớn cũng luôn cần nhắc trẻ ý thức phòng lây lan cho trẻ khác, hạn chế dụi tay vào mắt, khi dụi mắt phải rửa bằng xà phòng để tránh lây lan cho người khác. Dùng gạc diệt khuẩn lau, thấm nước mắt, dử mắt phải bỏ vào túi riêng, vứt vào thùng rác, không vứt bừa bãi… Quan trọng nhất là thường xuyên rửa tay xà phòng khi đi từ nơi công cộng về nhà, khi cầm, nắm cửa, nút bấm cầu thang… và tránh đưa tay lên mắt.

Trước dịch bệnh đau mắt đỏ diễn biến phức tạp, dù căn bệnh này không nằm trong số những bệnh truyền nhiễm phải báo cáo, nhưng Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu sở y tế các địa phương tăng cường công tác phòng chống, giám sát dịch đau mắt đỏ, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường học và tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng chống cách ly, điều trị kịp thời. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất để chống dịch.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm