Trẻ em có nguy cơ mắc những loại ung thư gan nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Bệnh ung thư gan hiếm gặp ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1% tổng số ung thư trẻ em. Chỉ có khoảng 1,5 ca ung thư gan trên 1 triệu trẻ em dưới 15 tuổi.

Theo chuyên gia, ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường gặp nhất là u nguyên bào gan, u có dạng một khối u đơn độc, khoảng 70% có khả năng mổ được. Đặc biệt, bệnh nhạy với thuốc hóa trị nên điều trị kết hợp mổ cắt bỏ u và hóa trị cho kết quả tốt. Có khoảng 80% trường hợp sống thêm 5 năm sau điều trị. 

Trẻ em có nguy cơ mắc những loại ung thư gan nào? - 1

Ở trẻ em hơn 11 tuổi, thường gặp là dạng carcinoma tế bào gan. Đây là dạng ung thư gan thường phát triển đa ổ, xâm lấn rất mạnh và không nhạy với thuốc hóa trị. Bệnh thường có diễn tiến xấu tương tự ung thư gan nguyên phát ở người lớn. Chỉ có khoảng 20% bệnh nhân sống được thêm 5 năm sau điều trị.

Theo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nguyên nhân của hầu hết các khối u gan nguyên phát ở các nước Phương Tây chưa được biết rõ. Tuy nhiên, ở những vùng khác của thế giới, ung thư biểu mô tế bào gan thường có liên quan đến sự hiện diện của sự nhiễm khuẩn gan. 

Ví dụ, ở nhiều quốc gia nơi có nhiều bà mẹ thường bị mắc bệnh viêm gan B và việc tiêm chủng không dễ dàng có được để tiêm cho con họ vào ngay sau đẻ. Những đứa trẻ bị nhiễm bệnh viêm gan B có nguy cơ cao phát triển bệnh ung thư nguyên bào gan vào giai đoạn tuổi thơ sau này hơn là những đứa trẻ không bị nhiễm bệnh.

Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, trên 90% trường hợp trẻ mắc bệnh có nhiều cơ may khỏi bệnh. Trường hợp u nguyên bào gan được phát hiện muộn, khối u to không thể mổ cắt được hoặc có di căn xa, kết quả điều trị thấp hơn.

Vì vậy, khi phát hiện có khối u trong ổ bụng, người nhà nên đưa trẻ nhập viện sớm để việc điều trị được tiến hành kịp thời.