1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ dễ bị viêm tai giữa tiết dịch

Thời gian gần đây, tôi có gặp một số trẻ em đến khám thính lực bị viêm tai giữa thời kỳ đầu của giai đoạn tiết dịch trong hòm nhĩ, được phát hiện nhờ nghiệm pháp đo nhĩ lượng đồ. Một số cháu mới bị viêm mũi họng và đã điều trị, một số cháu không có biểu hiện gì là đang bị bệnh.

Thời gian gần đây, tôi có gặp một số trẻ em đến khám thính lực bị viêm tai giữa thời kỳ đầu của giai đoạn tiết dịch trong hòm nhĩ, được phát hiện nhờ nghiệm pháp đo nhĩ lượng đồ. Một số cháu mới bị viêm mũi họng và đã điều trị, một số cháu không có biểu hiện gì là đang bị bệnh.

Đây là một bệnh thường gặp ở trẻ em. Cứ 10 trẻ thì có 1 - 2 trẻ mắc bệnh này. Triệu chứng chính của bệnh là nghe kém. Trẻ đang ở giai đoạn học nói nếu mắc bệnh sẽ bị ảnh hưởng làm chậm quá trình học nói, chậm quá trình phát triển ngôn ngữ dẫn tới ảnh hưởng phát triển trí thông minh.

Trẻ dễ bị viêm tai giữa tiết dịch - 1

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa thanh dịch, tuy nhiên nguyên nhân hàng đầu hay được nhắc đến là rối loạn chức năng vòi nhĩ. Vòi nhĩ có chức năng làm cân bằng áp suất tai giữa và áp suất không khí bên ngoài. Khi vùng mũi họng bị viêm (niêm mạc mũi họng dày lên, VA sưng to…) gây tắc cửa vòi nhĩ làm áp suất âm trong hòm nhĩ (tai giữa) tăng lên gây sự tiết dịch các tế bào niêm mạc hòm nhĩ vì vậy hòm nhĩ có dịch gọi là viêm tai giữa tiết dịch.

Ngoài ra, vì vòi nhĩ ở trẻ em ngắn và rộng hơn ở người lớn rất nhiều nên vi trùng, virút vùng mũi họng dễ đi theo đường vòi nhĩ vào tai giữa gây viêm tai giữa nhiễm khuẩn hoặc nhiễm vi rút với giai đoạn đầu là sự tiết dịch ở hòm nhĩ. Cũng chính vì sự khác biệt này nên bệnh viêm tai giữa có thể gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em nhưng trẻ em bị nhiều hơn.

Viêm tai giữa tiết dịch nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn là viêm tai giữa tụ mủ, nếu tiếp tục không điều trị sẽ gây viêm tai giữa thủng nhĩ...

Tuy nhiên, vì giai đoạn đầu của viêm tai giữa tiết dịch triệu chứng rất nghèo nàn nên cha mẹ thường không nhận biết. Ngay cả nhiều bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng cũng có thể chẩn đoán bỏ sót bệnh này vì ít khi các bé có biểu hiện nóng sốt, đau tai. Khám tai giai đoạn đầu của viêm tai giữa tiết dịch màng nhĩ thường bình thường, khi bệnh nặng hơn có thể thấy bóng khí ở màng nhĩ hay mực nước ở hòm nhĩ, bệnh nặng nữa lúc đó màng nhĩ mới bắt đầu dày đỏ. Ở giai đoạn đầu của viêm tai giữa tiết dịch soi tai bằng đèn hay thậm chí nội soi tai cũng cho kết quả bình thường. Để chẩn đoán sớm bệnh viêm tai giữa tiết dịch:

Về phần bác sĩ, nghiệm pháp đo nhĩ lượng đồ là một nghiệm pháp quan trọng cần chỉ định. Nghiệm pháp đo nhĩ lượng đồ là một trong những nghiệm pháp để đánh giá tai giữa. Kết quả cho biết tai giữa bình thường hay đang bị bệnh của nó nhiều khi có trước những triệu chứng được biểu hiện ở bệnh nhân. Vì thế dù nội soi tai bình thường bệnh nhân cũng cần được đo nhĩ lượng để phát hiện sớm dịch trong tai giữa. Tùy theo kết quả của nhĩ lượng đồ chúng ta cũng có thể biết tình trạng ứ dịch nhiều hay ít trong tai giữa.

Về phần cha mẹ, người chăm sóc bé, giáo viên nếu thấy bé có hiện tượng nghe kém hơn trước nên cho bé đi khám ở bác sĩ tai mũi họng, nếu bác sĩ quên cho kiểm tra thính lực và nhĩ lượng thì nên đề nghị bác sĩ cho con mình được kiểm tra những test này.

Để phòng bệnh viêm tai giữa tiết dịch nên giữ gìn vệ sinh vùng mũi họng. Khi bị viêm mũi họng nên điều trị tích cực để tránh biến chứng viêm tai. Đối với trẻ nhỏ ngoài việc giữ vệ sinh vùng mũi họng không nên cho bé bú sữa ở tư thế nằm...

Theo TTƯT.BS.CKII. Nguyễn Thị Bích Thủy 

Sức khỏe & Đời sống