Trẻ ăn vạ: Bệnh hay tật?

Cần xác định nguyên nhân ăn vạ của trẻ để có cách xử lý phù hợp hoặc đưa đến chuyên gia can thiệp nếu cần.

Con gái đã hơn 3 tuổi nhưng chị Ng.T.Y.N (29 tuổi) vẫn không thể tìm được chỗ gửi trẻ phù hợp bởi bé rất “khó chiều”. “Có lẽ là con một, được cưng chiều nên cháu có tính muốn cái gì là đòi bằng được. Vào trường, đòi đồ chơi gì không được là cháu cứ lăn ra khóc, có khi còn đánh bạn. Chúng tôi đã cố gắng đổi cách chăm sóc cháu nhưng không hiệu quả nên đành nhờ đến chuyên viên tâm lý” - chị N. thổ lộ.

Cần phân tích hành vi của trẻ

Cách đây ít lâu, bức ảnh của nhiếp ảnh gia Pete Souza chụp cảnh một bé gái nằm vạ tại Nhà Trắng khiến Tổng thống Obama cũng phải “bó tay” được rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Cảm giác chịu thua, phải đầu hàng con trẻ khi chúng nằm vạ, có bậc phụ huynh nào mà không trải qua. Tại hội thảo “Làm gì khi trẻ nằm vạ?” do Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) tổ chức gần đây, hầu hết các bậc cha mẹ và giáo viên mầm non, tiểu học tham gia đều cho biết họ đã từng khổ sở với tình huống này.

Theo ThS. BS Phạm Minh Triết, Trưởng Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, khoảng 3-40% bệnh nhi được cha mẹ đưa đến khám tại đây là do các hành vi không mong đợi, trong đó khoảng 10% là biểu hiện của bệnh lý. Với hiện tượng trẻ ăn vạ bằng các hình thức như la hét, nằm lăn ra, nôn ói, đập đầu, đánh người khác… có thể thực sự là do bệnh lý, tâm lý hoặc đơn giản là do cách nuôi dạy trẻ. Để xác định, cần phân tích hành vi của trẻ.


Dạy trẻ tự lập trong ăn uống, vệ sinh cá nhân… là phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa các hành vi ăn vạ Ảnh: TẤN THẠNH

Dạy trẻ tự lập trong ăn uống, vệ sinh cá nhân… là phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa các hành vi ăn vạ Ảnh: TẤN THẠNH

“Có phụ huynh đưa con đến khám cho biết ở nhà, trẻ rất hay nằm vạ nhưng ở trường lại không nghe giáo viên phàn nàn gì cả. Cháu khác thì không dám ăn vạ với ba vì ba thường rất nghiêm nhưng lại ăn vạ với mẹ hoặc mở rộng “địa bàn” sang ông, bà... Những trường hợp này thường không nghiêm trọng, có thể can thiệp bằng cách đổi phương pháp chăm sóc trẻ nhưng nếu trẻ nằm vạ cả ở nhà và trường học với người thân lẫn người lạ… thì đó là điều đáng lo. Chúng ta gọi là bệnh khi hiện tượng nằm vạ xảy ra ở nhiều môi trường khác nhau, ở trẻ lớn đủ sức nói điều mình muốn nhưng vẫn có hành vi ăn vạ mà không phân biệt được đúng sai”, BS Triết ví dụ.

Có nhiều nguyên nhân

Theo các chuyên gia, tật ăn vạ chỉ do môi trường sống hay được nuông chiều mà ra và có rất nhiều cách đối phó với một đứa trẻ hay ăn vạ, nhất là những trẻ không có bệnh.

Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, BV Nhi Đồng 1, trước tiên phụ huynh phải trả lời được câu hỏi: Trẻ ăn vạ nhằm mục đích gì? Có nhiều nguyên nhân phổ biến được tìm thấy: khủng hoảng tuổi lên 3, học từ người khác, người lớn vô tình củng cố hành vi ăn vạ, tìm cách thu hút sự chú ý, tìm kiếm sự chấp nhận, thử thách thái độ của người khác, thói quen, thiếu kỹ năng… “Có khi chúng ta vô tình tập cho trẻ ăn vạ mà không biết, như khi một đứa bé khóc, mẹ thấy vậy cho kẹo, trẻ nín khóc. Thế là mỗi lần bé khóc, mẹ lại cho kẹo để bé nín và bản thân đứa trẻ thì hiểu rằng hễ khóc là được kẹo. Đó là một dạng củng cố hành vi ăn vạ ở trẻ”, ThS Diệu Anh phân tích.

Trước mắt, phụ huynh nên xác định thứ mà trẻ muốn qua hành vi ăn vạ là nhu cầu hay đòi hỏi. Có khi đơn giản trẻ khóc là do lỗi của người lớn, như hứa với trẻ cái gì đó nhưng quên mất. Còn nếu thực sự đó là đòi hỏi quá đáng nên giải thích với trẻ vì sao không thể đáp ứng được. Điều này còn giúp trẻ học được kỹ năng giải thích để khi có nhu cầu, trẻ sẽ không khóc hay ăn vạ mà biết dùng lời nói để yêu cầu cha mẹ. Sau khi giải thích, nên tạm thời “phớt lờ” trẻ nếu hành vi ăn vạ vẫn tiếp diễn. Kỹ thuật phớt lờ bao gồm tránh giao tiếp qua mắt, không nói, không tranh cãi, vờ quay đi làm một việc khác hoặc đi nơi khác nếu trẻ có hành vi lôi kéo. Tại BV Nhi Đồng 1, kết quả khảo sát cho thấy sau 15-20 lần áp dụng kỹ thuật phớt lờ, các hành vi ăn vạ giảm dần và biến mất.

“Nếu trẻ được xác định là có bệnh thì nên tuân thủ cách điều trị của thầy thuốc, có thể là liệu pháp tâm lý đơn thuần hoặc kết hợp với thuốc. Các bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng nằm vạ là chậm nói, chậm phát triển, tự kỷ, rối loạn cư xử…”, BS Triết lưu ý.

Dạy trẻ tự lập

Theo ThS. BS Phạm Minh Triết, một em bé có thể tự lập trong một số việc, ở các mốc tuổi nhất định, như tự ăn lúc 12-14 tháng, lớn hơn một chút có thể tự mang giày, tự mặc quần áo… Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vì thương con, vì thiếu kiên nhẫn, sợ con làm đổ thức ăn, hỏng quần áo… nên làm thay cho trẻ mọi thứ thay vì chỉ giúp đỡ một phần. Khá nhiều trẻ nằm vạ đơn giản do được quá cưng chiều, tính tự lập thấp, vì vậy rèn cho con khả năng tự lập cũng là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi không mong đợi ở trẻ.

 

Theo Anh Thư

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm