Trẻ ăn nhiều mà vẫn chậm lớn?
(Dân trí) - Con trai tôi năm nay 3 tuổi. Bé ăn uống rất tốt, thậm chí hay đói bụng, thường xuyên đòi ăn. Bé khá nhanh nhẹn, khỏe mạnh, cũng không có dấu hiệu của bệnh rối loạn tiêu hóa, nhưng bé vẫn chậm lớn, chỉ nặng 12kg. Xin hỏi có phải cháu mắc hội chứng kém hấp thu? Bích Vân (Văn Mỗ, Hà Đông)
GS.TS Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam trả lời:
Thông thường, một đứa trẻ nếu ăn tốt nhưng có những triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như đi ngoài phân lỏng, phân sống… chúng ta mới coi là đứa trẻ có vấn đề. Còn nếu trẻ ăn uống bình thường, đi cầu bình thường, không có rối loạn tiêu hóa mà vẫn chậm lớn, trước hết cần xem xét xem trẻ đã ăn đủ số lượng cần thiết chưa. Vì nếu không đảm bảo số lượng cần thiết so với nhu cầu hàng ngày của trẻ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ, làm trẻ chậm lớn.
Con chị ăn uống tốt, không có dấu hiệu của bệnh rối loạn tiêu hóa thì chưa thể khẳng định bé bị hội chứng kém hấp thu. Vì hội chứng kém hấp thu thường gây cho trẻ tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài, khiến trẻ đi phân sống, trong phân có những thức ăn còn nguyên như chất mỡ, chất thịt, đi ngoài... Ngoài ra, tình trạng kém hấp thu có thể biểu hiện ở việc ăn nhiều nhưng dưỡng chất không hấp thu được nên người vẫn gầy yếu, xanh xao…
Khi ăn vào trẻ không hấp thu được, có thể là do thiếu một số chất vận chuyển, thiếu một số enzim tiêu hóa, những trường hợp này thường gây rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Trong trường hợp này, trước hết, chị cần xem xét lại chế độ dinh dưỡng xây dựng cho bé đã phong phú, khoa học chưa. Thứ nữa, cần điều chỉnh lại chế độ nấu ăn cho trẻ vì trên thực tế, có rất nhiều chất dinh dưỡng bị mất đi trong quá trình nấu nướng sai cách. Đây có thể là nguyên nhân khiến con bạn thiếu hụt một số dưỡng chất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Tốt nhất, bạn nên đưa con đi khám chuyên khoa dinh dưỡng để có được lời khuyên tốt nhất trong việc xây dựng chế độ dinh dưỡng, đảm bảo sự phát triển toàn diện của bé.
Hà Linh (ghi)