1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đà Nẵng:

Trẻ 3 tháng tuổi tử vong chưa rõ nguyên nhân

(Dân trí) - Chiều 29/6, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đã loại trừ nguyên nhân cháu B tử vong do Quinvaxem.

Trước đó, vào lúc 14h chiều 26/6, cháu P.N.Q.B (hơn 3 tháng tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) được gia đình đưa đến Trạm y tế phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) tiêm chủng vắc xin Quinvaxem.

Đến tối cùng ngày, cháu B có dấu hiệu sốt 37,5 độc C nhưng vẫn bú khỏe và bình thường. Cháu được người nhà lau người để hạ sốt.

Đến 7h sáng 27/6, cháu B sốt 38,5 độ C nên người nhà đã cho cháu uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn. Sau đó, thấy cháu đỡ sốt nên người nhà đi ra ngoài làm việc nhà.

Đến 8h sáng cùng ngày, người nhà vào thì thấy cháu xuất huyết ở mũi, miệng và tiến hành hô hấp nhân tạo nhưng không hiệu quả. Cháu đã tử vong tại nhà.

Sau khi cháu tử vong, gia đình đã lên Trạm y tế phường Hòa Minh báo cho nhân viên y tế biết sự việc.

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, chiều 29/6, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế gồm lãnh đạo Sở Y tế và các phòng liên quan, Trung tâm y tế dự phòng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Trung tâm pháp y và Viện Pasteur Nha Trang đã có cuộc họp tìm nguyên nhân dẫn đến tử vong đối với cháu B.

Tại buổi họp, hội đồng đã loại trừ nguyên nhân cháu B tử vong do Quinvaxem bởi lô vắc xin Quinvaxem 1453303 trong đợt này còn tiêm cho 3.733 cháu, trong đó chỉ có 2 trường hợp sốt nhẹ, sưng chỗ tiêm. Nguyên nhân thứ hai là quy trình tiêm chủng cũng được loại bỏ bởi qua kiểm tra, quy trình tiêm chủng đều đảm bảo. Nguyên nhân thứ 3 là sốc phản vệ, Hội đồng cũng không nghĩ nhiều đến bởi từ khi tiêm đến lúc trẻ tử vong là 18 tiếng và cháu không có dấu hiệu co giật, kích thích nên sốc phản vệ là rất thấp.

“Chúng tôi nghĩ nhiều đến sự trùng hợp ngẫu nhiên một bệnh cảnh lâm sàng khác trên một cháu có tiền sử đẻ non. Bởi trong quá trình mang thai mẹ cháu có khám thai định kỳ ở cơ sở y tế. Tuy nhiên đến tháng thứ 8 thì trẻ không tăng cân nên thai phụ đã vào Bệnh viện Từ Dũ để kiểm tra, theo dõi. Tại Bệnh viện Từ Dũ, trẻ đã được sinh non với cân nặng 1,4kg và được nuôi ở đây 1 tháng. Đến ngày tiêm phòng, trẻ nặng 5,7kg. Hiện chúng tôi đang làm văn bản gửi cho Bệnh viện Từ Dũ  đề nghị trích bản sao bệnh án của trẻ để tìm hiểu cụ thể”, bác sĩ Yến cho biết thêm.

Cũng theo bác sĩ Yến, về nguyên tắc, khi tiêm chủng có dấu hiệu thì phải dừng cuộc tiêm tại trạm y tế. Còn việc dừng tiêm vắc xin Quinvaxem, xét thấy tai biến không có liên quan đến lô Quinvaxem nên không ra quyết định dừng.

Được biết, cháu B là con thứ 2 trong gia đình. Sau khi xảy ra sự việc, ngành y tế Đà Nẵng đã đến hỏi thăm và chia buồn với gia đình. Phía gia đình không yêu cầu mổ tử thi để điều tra nguyên nhân.

Khánh Hồng