Trào lưu cắt tinh bột giảm cân nguy hại như thế nào?

(Dân trí) - Theo Ths.BS Trần Khánh Vân (Viện Dinh dưỡng quốc gia), hiện nay đang có trào lưu nhiều người cắt bỏ hoàn toàn tinh bột (cơm, khoai, ngô, sắn...) để giảm béo. Đây là một phương pháp phản khoa học, gây hại cho sức khoẻ.

BS Khánh Vân cho biết rất nhiều chị em bỏ không ăn một chút tinh bột nào trong cả thời gian dài, điều này gây ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.

Trào lưu cắt tinh bột giảm cân nguy hại như thế nào? - 1

"Trên nhiều tạp chí quốc tế, người ta đã đưa ra những nghiên cứu kỳ công theo chiều dọc, cho thấy tuổi thọ nhóm người loại bỏ tinh bột khỏi bữa ăn thấp hơn người dùng tinh bột trong bữa ăn hàng ngày", BS Vân nói.

Tháng 8/2018, một nghiên cứu thực nghiệm ở Đan Mạch cho thấy chế độ ăn low carb loại bỏ hoàn toàn tinh bột khỏi bữa ăn sẽ không đảm bảo năng lượng cân đối theo nhu cầu của cơ thể. Khi giảm tinh bột, cơ thể sẽ sử dụng mỡ cơ thể để chuyển hóa thành năng lượng sử dụng mỗi ngày. Tuy nhiên, trong quá chuyển hóa mỡ thừa trong cơ thể sẽ sinh ra chất gây hại cho gan, khiến gan bị nhiễm mỡ.

"Vì thế khi cắt giảm tinh bột, low carb bạn thấy cơ thể giảm cân nhưng giảm cân bằng phương pháp này lại không tốt cho sức khoẻ", BS Khánh Vân nói.

Việc tăng và giảm cân luôn phải theo nguyên tắc năng lượng nạp vào ít hơn năng lương tiêu hao. Theo nghiên cứu, mỗi ngày chúng ta chỉ dư thừ 30kcal năng lượng tiêu hao so với năng lượng nạp vào, lâu dần cũng tích mỡ gây lên cân. Nhưng khi giảm cân, chị em phụ nữ ai cũng nôn nóng, ngày nào cũng đứng lên cân, hoặc đặt mục tiêu tháng giảm vài ba cân là rất phản khoa học.

"Để giảm cân, cần điều chỉnh chế độ ăn để năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng tiêu hao, cơ thể sẽ dần đốt mỡ thùa. Nhưng không thể nôn nóng mà cần thời gian", BS Vân khuyến cáo.

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia, một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng là protein (chất đạm) chiếm 13%-20%, lipid (chất béo) từ 20%- 25% còn glucid (tinh bột, đường) đạt từ 55%-65%.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm