Tranh cãi clip bé sơ sinh bị vỗ lưng “bồm bộp”

(Dân trí) - Mới đây, một clip ghi lại cảnh một người được cho là nhân viên y tế vỗ rung cho một bé sơ sinh khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Em bé khóc lớn trong khi người này vỗ với lực khá mạnh.

Đoạn clip dài khoảng 22 giây đăng tải trên mạng xã hội gây chú ý, với nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí cho rằng lực vỗ mạnh có thể gây chấn thương, tổn thương phổi cho bệnh nhi.

Theo đó, một bé sơ sinh được đặt ở tư thế nằm úp, trên giường. Một người được cho là nhân viên y tế dùng bàn tay vỗ rất mạnh, nhanh vào lưng bé phát ra những tiếng kêu “bồm bộp”, trong khi đó em bé khóc rất lớn. 

Mẹ bé đứng bên cạnh để quay lại cảnh vỗ rung long đờm cho con, để sau này bố cháu làm theo. Tuy nhiên, người thực hiện khẳng định: "Không cần phải quay, nếu cái này chỉ nhìn một lần thì bố không làm được ở nhà đâu". 

Clip bé sơ sinh bị vỗ lưng “bồm bộp” gây xôn xao trên mạng. 

Đoạn clip đã khiến nhiều người bức xúc vì cho rằng người thực hiện đã vỗ sai kỹ thuật, vỗ quá mạnh làm em bé bị đau, thậm chí gây nguy hiểm cho bé.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng  khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nếu là để vỗ rung long đờm cho trẻ thì về kỹ thuật người thực hiện trong clip đã làm không chuẩn và như thế sẽ không có hiệu quả. Vỗ rung long đờm được chỉ định trong những trường hợp mắc các bệnh hô hấp mạn tính và khả năng ho của bệnh nhân giảm. Kỹ thuật vỗ cũng không đơn giản như vậy.  

Tranh cãi clip bé sơ sinh bị vỗ lưng “bồm bộp” - 1

Chung quan điểm này, một bác sĩ chuyên về khoa nhi tại Hà Nội cũng cho rằng cách vỗ lưng cho em bé như trong clip là không đúng. Người vỗ thực sự phải cảm nhận được động tác của mình, vỗ phát ra tiếng “bồm bộp” như thế rất thô bạo, gây đau cho bé. Vỗ rung ở đây phải làm sao vỗ mà trẻ ngủ được êm ái trên vai của người vỗ, trẻ không khóc. 

Theo bác sĩ này, trước hết chúng ta cần hiểu bản chất của vỗ lưng là vỗ rung, tuy nhiên do vị trí vỗ là vùng lưng nên đôi khi nhiều người gọi là vỗ lưng. Mục đích là tạo tần số rung vừa đủ để rung các đờm nhớt nằm sâu trong phế quản, tiểu phế quản, rung đẩy một chiều đờm nhớt đi ra ngoài. Đờm giống như màng nhớt bám chặt niêm mạc nên mới cần thực hiện động tác vỗ rung, để long đờm nhớt cho đi ra ngoài. 

Thứ nhất, khi vỗ chỉ dùng lực cổ tay, vẩy cổ tay, tạo lực rung vừa đủ 160-180 chu kỳ/phút. Nếu vỗ bằng lực của cánh tay và cẳng tay không khống chế được lực dễ dẫn đến tổn thương, đau em bé và không có hiệu quả. 

Thứ hai là tư thế nằm của trẻ cũng rất quan trọng, cho trẻ nằm như trong clip để vỗ là không hợp lý, cộng thêm cách vỗ sai dễ dẫn đến tình trạng suy hô hấp, đờm trào ra.

Vai trò của vỗ rung nằm trong nghiệm pháp chức năng hô hấp, giúp thông thoáng đường hô hấp. Bác sĩ thường chỉ định thực hiện vỗ rung này trong các trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, giúp long đờm nhớt trong tiểu phế quản, phế quản, từ đó giúp thông thoáng đường hô hấp. Nếu trẻ bị viêm phổi vì việc vỗ rung này không có tác dụng. 

Ngoài ra khi thực hiện vỗ rung cần cho trẻ uống nhiều nước, tăng cường sữa để làm long đờm. 

Theo bác sĩ khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), nguyên tắc của vỗ là dùng tay vỗ nhẹ vào ngực nhằm tạo nên các sóng xung lực tác động qua thành ngực truyền vào phổi, làm các cục đờm ứ đọng dính vào phế quản bị bong ra rồi đờm được dẫn lưu vào phế quản lớn và ho tống ra ngoài. Động tác rung lồng ngực bổ sung cho kỹ thuật vỗ, tạo lực thúc đẩy đờm dễ thoát ra ngoài.

Kỹ thuật vỗ

- Bà mẹ khum bàn tay, khép các ngón tay vỗ vào ngực, lưng bằng cách lắc nhẹ cổ tay, vỗ nhịp nhàng, di chuyển tay trên thành ngực và sau lưng với nhịp và lực đều nhau.

- Đối với trẻ sơ sinh tác động lực khi vỗ chủ yếu là 2/3 bàn tay nghiêng về phía các ngón tay.

- Thời gian vỗ từ 1 đến 3 phút ở mỗi khu vực.

Tranh cãi clip bé sơ sinh bị vỗ lưng “bồm bộp” - 2

Kỹ thuật rung

- Nguyên lý: Làm tăng luồng khí thở ra.

- Kỹ thuật: Bàn tay của người rung tiếp xúc thật sát với lồng ngực, lưng bệnh nhân, gồng toàn bộ cánh, cẳng tay và đẩy nhẹ trong suốt khi thở ra

- Lặp lại 5 lần rung ở một vị trí trên lồng ngực.

Việc thực hiện cần cách xa bữa ăn 1,5 tiếng. 

Nam Phương