Tràn lan “thuốc cặp tiểu đường” nguy hiểm chết người

Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng mua bán “thuốc cặp tiểu đường Trung Quốc” tại khu phố đông y quận 5, TPHCM gần đây lại rộ lên gần như công khai cho dù một trong hai thành phần của thuốc này bị giới chuyên môn xem là… thuốc độc!

  

Tràn lan “thuốc cặp tiểu đường” nguy hiểm chết người - 1


Trên lọ thuốc không có bất kỳ dòng chữ hướng dẫn nào ngoài tiếng Trung Quốc, vì thế bệnh nhân cứ tin đây là thuốc đông y, vô tư sử dụng để rồi ngộ độc. Ai chịu trách nhiệm bảo vệ người dân? Ảnh: S.Đ

 

Thế giới loại bỏ từ những năm 1970

 

Cuối tuần qua, dạo quanh khu phố đông y quận 5, ghé vào một số hiệu thuốc trên đường Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học và Phùng Hưng hỏi mua “thuốc cặp tiểu đường”, một số chủ hiệu thuốc lắc đầu nguây nguẩy nói thuốc đã bị cấm và ngưng nhập từ lâu. Tuy nhiên, khi một nữ đồng nghiệp của chúng tôi chở theo bà mẹ và hỏi mua thuốc tiểu đường cho bà, các chủ hiệu thuốc P.H.H, H.T, V.K.H và K.N không ngần ngại lôi từ trong tủ ra hàng chục lọ thuốc cặp và cho biết… mua bao nhiêu cũng có!

 

“Thuốc cặp tiểu đường Trung Quốc” là tên thường gọi của hai loại tân dược Glibenclamide và Phenformin đựng trong hai lọ thuốc nhỏ màu trắng dùng chung với nhau để trị tiểu đường. Mỗi lọ chứa 100 viên, bán với giá dao động từ 12.000 – 18.000 đồng/cặp. Tuy nhiên, theo TS.BS Trần Quang Khánh, trưởng khoa nội tiết bệnh viện Nguyễn Tri Phương, phó chủ nhiệm bộ môn nội tiết đại học Y dược TP.HCM, trong khi Glibenclamide vẫn được sử dụng để trị tiểu đường dù hiện nay không phải là thuốc chọn lựa hàng đầu thì Phenformin gần như đã bị cả thế giới tẩy chay từ lâu vì quá độc. TS.BS Trần Quang Khánh giải thích: “Từ những năm 1970, nhiều nước đã cấm sử dụng Phenformin vì chúng làm tăng axít lactic trong máu, dẫn đến hôn mê do nhiễm axít lactic và 50% trường hợp này sẽ bị tử vong. Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất trong số những biến chứng cấp của bệnh tiểu đường”.

 

Nguy hại nhất của “thuốc cặp tiểu đường Trung Quốc” không chỉ là “thuốc độc”, mà còn vì là thuốc nhập lậu nên người bán lẫn người mua vẫn vô tư truyền miệng nhau sử dụng theo cảm tính. Hỏi chủ các hiệu thuốc về liều dùng, có người nói ngày nào thấy “mệt nhiều” thì uống mỗi loại hai viên, “mệt ít” uống một viên; nhưng người khác lại chỉ dẫn không cần tăng liều, cứ mỗi loại hai viên/ngày là đủ. Bà Hai, ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, người dùng thuốc này hơn hai năm qua lại có cách khác: “Kinh nghiệm của tôi là dùng hai cữ sáng và trưa, mỗi cữ hai viên này, hai viên kia. Ngày nào lỡ ăn nhiều đường thì dùng thêm một cữ vào buổi chiều là êm ngay”.

 

Tuy nhiên, có muốn tìm hiểu liều lượng để dùng đúng cách cũng khó vì trên hai lọ thuốc chỉ in toàn tiếng Trung Quốc. Nếu lọ Glibenclamide có tên thuốc bằng tiếng Anh thì lọ chứa Phenformin lại không có dòng chữ nào chứng tỏ đây là Phenformin. Một chuyên gia nội tiết nói: “Nhà sản xuất thật thâm độc. Họ cố tình làm thế vì nếu ghi tên Phenformin ra hẳn hoi, người tiêu dùng có thể biết đây là thuốc độc và tẩy chay”.

 

Cơ quan chức năng chịu thua?

 

Thuốc nhập lậu nguồn gốc Trung Quốc được báo chí đề cập khá nhiều trong những năm qua, nhưng đến nay thực trạng này gần như không có cách giải quyết tận gốc. Một cán bộ thanh tra sở Y tế TP.HCM nói: “Đối với thuốc nhập lậu, biện pháp hiện nay của chúng tôi chỉ là xử phạt theo hình thức thuốc lưu hành không có số đăng ký chứ không biết làm gì hơn”.

 

Tìm hiểu thông tin trên mạng, chúng tôi được biết mặc dù Trung Quốc vẫn còn sử dụng Phenformin để trị tiểu đường, nhưng Hong Kong đã loại bỏ thuốc này từ năm 1985. Tuy nhiên, đến 20 năm sau tại lãnh thổ này người ta vẫn ghi nhận những ca tai biến vì dùng Phenformin do thuốc nhập lậu vào bằng nhiều đường khác nhau.

 

Tại nước ta cho đến nay chưa có nghiên cứu nào về tai biến do dùng Phenformin, nhưng theo TS.BS Trần Thị Bích Hương, phó khoa nội thận bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, ở bệnh viện này đã ghi nhận rải rác những ca hôn mê và tử vong do dùng “thuốc cặp tiểu đường Trung Quốc”. TS.BS Bích Hương nói: “Phần lớn những ca này là người nghèo, sống ở vùng quê hoặc vùng ven thành phố, thiếu thông tin và không có bảo hiểm y tế nên mua thuốc này dùng cho rẻ”.

 

Một nguyên nhân khác khiến “thuốc cặp” vẫn lưu hành trong người dân vì nhiều người vẫn tin rằng đây là “thuốc bắc”, “thuốc đông y” do xuất xứ từ Trung Quốc. Tiếp xúc với chúng tôi, ông An, 62 tuổi, ngụ tại xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, dùng “thuốc cặp” từ ba năm nay quả quyết: “Thuốc ghi toàn tiếng Tàu nghĩa là thuốc bắc, có phải thuốc tây đâu mà độc hại. Tôi sử dụng mấy năm nay có thấy gì đâu. Tôi đã chỉ cho nhiều người sử dụng, ai cũng khoẻ re, không cần tới bác sĩ nữa”.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia sức khoẻ, Phenformin thường gây ngộ độc âm thầm, không có biểu hiện gì bên ngoài, đến một lúc nào đó mới bùng phát biến chứng. Đó là bệnh nhân tiểu đường không bị suy thận, còn đối với bệnh nhân tiểu đường có sẵn suy thận, dùng Phenformin sẽ bị ngộ độc nhanh hơn. TS.BS Trần Thị Bích Hương cảnh báo: “Suy thận được gọi là một bệnh thầm lặng (silence disease) vì thận là bộ phận có khả năng bù trừ, chịu đựng rất cao. Vì thế, nhiều người bề ngoài thấy bình thường, nhưng thực tế là thận đang có vấn đề, phải xét nghiệm đặc hiệu mới phát hiện được”.

 

Theo Phan Sơn - Sa Đồng

Sài Gòn tiếp thị