“Thuốc cặp đông y” trị tiểu đường là thuốc độc!

Trái với quảng cáo, loại “thuốc cặp đông y” trị tiểu đường đang được bán tràn lan ở nước ta lại hiệu quả, nhưng... rất độc. Sau một thời gian sử dụng, bệnh nhân có thể hôn mê và tử vong!

 

Theo GS Mai Thế Trạch, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường VN, chất độc trong “thuốc cặp đông y” trị tiểu đường là phenformin, bị cấm lưu hành ở nước ngoài từ lâu vì gây tử vong cho hàng chục người.

 

Ở nước ta, ThS. BS Diệp Thị Thanh Bình, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội tiết Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng Khoa Nội Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết đã chứng kiến vài trường hợp hôn mê vì dùng “thuốc cặp đông y”. Chưa ai thống kê được bao nhiêu người tử vong do dùng phenformin ở VN vì thường khi một bệnh nhân tiểu đường hôn mê vào cấp cứu, y-bác sĩ thường quan tâm đến việc cứu chữa hơn là tìm nguyên nhân sâu xa. Nhưng có một điều chắc chắn, nguy cơ tử vong vì phenformin là có thật, và Hoa Kỳ đã loại bỏ thuốc này từ năm 1977.

 

Dễ như mua kẹo, bao nhiêu cũng có!

 

Ngày 18/3, tại tiệm thuốc góc đường Triệu Quang Phục -Hải Thượng Lãn Ông thuộc khu phố đông y, Q.5, TPHCM, khi nhìn lọ thuốc mẫu trong tay tôi, người bán đã lôi từ trong hộc 2 lọ thuốc nhỏ và ra giá 15.000 đồng.

 

Tại một cửa hàng thuốc trên đường Lương Nhữ Học, mọi chuyện còn dễ dàng hơn. Chỉ cần nghe tôi hỏi “thuốc cặp tiểu đường”, cô bé bán hàng liền ôm ra một bọc thuốc và nhanh nhẩu trả lời: “Mua bao nhiêu cũng có, mua ít 10.000 đồng/cặp, mua nhiều bớt giá”. Thấy tôi nhìn lọ thuốc ra vẻ nghi ngờ, cô bé khẳng định: “Thuốc đông y nhập từ Trung Quốc đó, tốt lắm, dùng mỗi ngày 2 viên là hết bệnh ngay!”. Gọi là “thuốc cặp đông y”, vì thuốc được bán từng cặp gồm 2 lọ, một lọ chứa glibenclamid, còn lọ kia chứa phenformin và bao bì in toàn bằng tiếng Hoa.

 

Không chỉ TPHCM mà tại các tỉnh như Đồng Nai, Long An, Tiền Giang... việc bán “thuốc cặp đông y” rất phổ biến. Tuần qua, ở một tiệm thuốc đông y trên đường Nguyễn Huệ, TP Mỹ Tho, sau khi cẩn thận hỏi chúng tôi mua cho ai và ai giới thiệu đến mua, bà chủ lấy thuốc ra và dặn: “Uống thuốc này nên cữ ăn đường và chất béo”. Khi chúng tôi hỏi mua số lượng lớn, bà khẳng định: “Hàng ngàn hộp cũng có, nhưng phải dặn trước một ngày”. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy hầu như mọi nhà thuốc đông y ở Tiền Giang đều có bán thuốc này, mua dễ như mua kẹo!

 

Ngộ độc âm thầm, hôn mê rồi tử vong

 

GS Mai Thế Trạch cho biết phenformin thuộc nhóm biguanid, trong nhóm này còn có metformin. Nhưng nếu phenformin bị loại bỏ vì nguy hiểm, thì metformin được công nhận là an toàn và thường được phối hợp với một loại thuốc nào đó để làm tăng tác dụng của thuốc. Tại Mỹ, hiện có những viên thuốc trị tiểu đường “2 trong 1” kết hợp glyburid + metformin (Glucovance) hoặc glipizid + metformin (Metaglip), nhưng không bao giờ có kết hợp bất kể một loại nào với... phenformin. Vì sao phenformin nguy hiểm? Vì sử dụng thuốc này kéo dài bệnh nhân có thể suy thận và hôn mê do nhiễm acid lactic. Điểm cần lưu ý, theo ThS. BS Diệp Thị Thanh Bình, tình trạng ngộ độc này âm thầm, không có biểu hiện gì bên ngoài, đến một lúc nào đó bùng phát thì trở tay không kịp. Đối với những bệnh nhân bị suy thận sẵn, việc dùng phenformin sẽ làm cho tình trạng suy thận xảy ra nhanh hơn.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Đức An, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, thừa nhận có tình trạng mua bán “thuốc cặp đông y” trị tiểu đường trên địa bàn TP và thuốc này rất nguy hiểm, nhưng việc ngăn chặn là chuyện rất khó. Bởi theo ông, thuốc được đưa vào nước ta từ biên giới Trung Quốc, phải kiểm soát từ đây thì mới khả thi. Vài năm qua, thanh tra sở cũng bắt được một số nhà thuốc đông y bán phenformin, nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy vì thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành, và mặt khác thuốc quá rẻ, người bệnh chấp nhận dễ dàng: 10.000 đồng/2 lọ thuốc, tính ra mỗi ngày dùng có... 200 đồng tiền thuốc, chỉ bằng 1/30 so với những thuốc trị tiểu đường lưu hành hiện nay. Người mua ham rẻ còn người bán thì ham lợi nên thuốc độc cứ được bán thoải mái.

 

Khi chúng tôi hỏi chủ nhà thuốc Thiên Phát trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Mỹ Tho, biết gì về thuốc này, bà vô tư đáp: “Người ta cấm là vì thuốc này trị tiểu đường hay hơn thuốc tây, chứ thật ra hằng ngày tôi bán cho cả trăm bệnh nhân có thấy ai bị gì đâu (?!)”.

 

Theo Người lao động