Trầm cảm ở bệnh nhân ung thư

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

(Dân trí) - Trầm cảm khá thường gặp ở cả người bệnh ung thư và người thân của họ. Trầm cảm có thể nhẹ và tạm thời với những khoảng thời gian cảm thấy buồn bã, tuy nhiên cũng có thể bị nặng lên và kéo dài.

Loại trầm cảm nặng hơn thường được gọi là "trầm cảm nặng hay trầm cảm lâm sàng". Trầm cảm nặng hay trầm cảm lâm sàng sẽ làm cho người bệnh khó duy trì sinh hoạt thường ngàyvà tuân thủ kế hoạch điều trị. Tình trạng trầm cảm này xảy ra ở khoảng một phần tư số người mắc ung thư (theo số liệu ở Hoa Kỳ), tuy nhiên tình trạng này có thể được kiểm soát. Những người đã từng bị trầm cảm từ trước sẽ có nhiều khả năng mắc trầm cảm hơn sau khi được chẩn đoán mắc ung thư.

Trầm cảm ở bệnh nhân ung thư - 1

Các dấu hiệu cần lưu ý:

Gia đình và bạn bè, khi thấy các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm có thể động viên người bệnh tìm kiếm sự giúp đỡ. Đôi khi triệu chứng lo âu hoặc sa sút tinh thần có thể đi kèm với trầm cảm. Người bệnh sẽ cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia và sức khỏe tâm thần khi có các dấu hiệu và triệu chứng sau:

- Luôn luôn trong tâm trạng buồn bã, tuyệt vọng hoặc cảm thấy "trống rỗng" suốt cả ngày, ngày này qua ngày khác

- Mất hứng thú và niềm vui trong các hoạt động mà mình yêu thích trước đây

- Giảm cân (khi không ăn kiêng) hoặc tăng cân

- Thay đổi giấc ngủ (không ngủ được, thức dậy sớm hoặc ngủ quên)

- Cảm thấy rất mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng hầu như hằng ngày

- Người khác nhận thấy bạn luôn bồn chồn hoặc chậm chạp và tình trạng này diễn ra hầu như hằng ngày

- Cảm giác tội lỗi, vô dụng và bất lực

- Khó tập trung, ghi nhớ hoặc đưa ra quyết định

- Thường xuyên nghĩ về cái chết hoặc tự tử hoặc cố gắng tự tử

- Tâm trạng thay đổi thất thường và đột ngột từ trầm cảm sang kích động và đầy năng lượng

Một vài vấn đề về thể chất như mệt mỏi, kém ăn, thay đổi giấc ngủ cũng có thể là tác dụng phụ của việc điều trị ung thư và có thể kéo dài sau khi điều trị ung thư kết thúc. Hỏi bác sỹ điều trị ung thư của bạn về các nguyên nhân có thể gây ra những triệu chứng này và liệu trầm cảm có phải là một trong các nguyên nhân hay không.

Điều trị trầm cảm:

Việc điều trị trầm cảm ở người bệnh ung thư có thể bao gồm việc tư vấn, dùng thuốc hoặc kết hợp cả hai và đôi khi là các phương pháp điều trị chuyên biệt khác. Các phương pháp điều trị này giúp cải thiện tình trạng trầm cảm, giảm đau đớn khó chịu và giúp người bệnh ung thư có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Người bệnh nên làm gì:

- Nói ra những cảm xúc và nỗi sợ hãi mà bạn hoặc gia đình gặp phải. Bạn có thể cảm thấy buồn, tức giận và nản chí, nhưng đừng trút những điều đó vào những người thân thiết xung quanh bạn. Điều quan trọng là lắng nghe nhau một cách thấu đáo, cùng nhau quyết định xem mình và người thân có thể làm gì để hỗ trợ và động viên nhau, nhưng đừng ép buộc nhau phải nói ra.

- Tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua các nhóm hỗ trợ và tư vấn

- Sử dụng nghiệm pháp tỉnh thức (mindfulness), cầu nguyện, thiền hoặc các hình thức hỗ trợ tinh thần khác

- Thử các bài tập hít thở sâu và thư giãn nhiều lần trong ngày (ví dụ: nhắm mắt, hít sâu, tập trung vào từng bộ phận trên cơ thể và thư giãn, bắt đầu từ ngón chân và lên cao dần tới đầu. Trong lúc thư giãn hãy tưởng tượng bạn đang ở một nơi thật thư thái, chẳng hạn như ở một bãi biển mát mẻ hoặc một đồng cỏ đầy nắng).

- Cân nhắc làm việc với một chuyên gia tư vấn để giải quyết các thay đổi trong cuộc sống

- Tìm hiểu các phương pháp điều trị trầm cảm

Trầm cảm ở bệnh nhân ung thư - 2

Người nhà và người chăm sóc người bệnh nên làm gì:

- Nhẹ nhàng gợi mở để người bệnh nói ra nỗi sợ hãi và lo lắng của họ. Đừng ép bệnh nhân nói trước khi họ sẵn sàng.

- Lắng nghe chăm chú mà không phán xét cảm xúc của người bệnh hoặc của bản thân. Có thể chỉ ra và không đồng tình với các suy nghĩ tiêu cực bi quan của người bệnh.

- Tránh nói với người bệnh kiểu: "vui lên nào" hay "suy nghĩ tích cực lên"

- Cùng với người bệnh quyết định xem có thể làm gì để hỗ trợ nhau

- Đừng cố nói lý với người bệnh lúc họ sợ hãi, lo lắng, hoặc trầm cảm nghiêm trọng. Hãy nhờ những bác sĩ hoặc điều dưỡng đang điều trị cho người bệnh ung thư giúp đỡ

- Lôi kéo người bệnh tham gia vào các hoạt động mà họ yêu thích

- Hãy nhớ rằng người thân và người chăm sóc người bệnh ung thư cũng có thể bị trầm cảm. Tất cả những đề xuất này cũng có thể được sử dụng cho họ.

- Dành thời gian chăm sóc bản thân. Dành thời gian cho bạn bè hoặc làm những gì mà bạn thích

- Cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ cho bản thân thông qua các nhóm hoặc tư vấn trực tiếp

Liên hệ chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần hoặc bác sĩ điều trị ung thư khi người bệnh có biểu hiện sau:

- Có ý nghĩ tự tử hoặc không thể ngừng việc nghĩ đến cái chết

- Cách cư xử của người bệnh làm bạn thấy lo lắng cho sự an toàn của họ

- Không thể ăn hoặc ngủ được và không quan tâm đến các hoạt động thường ngày trong nhiều ngày liền

- Khó thở, đổ mồ hôi hoặc cảm thấy bồn chồn quá mức.