Rối loạn lo âu khi bị ung thư

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

(Dân trí) - Khi ta phát hiện một khối u hoặc một dấu hiệu hoặc triệu chứng có thể là ung thư cũng đã có thể gây ra lo lắng và sợ hãi, nên việc biết chắc bị ung thư có thể làm cho tình trạng lo âu nặng nề hơn.

Rối loạn lo âu là cảm giác không thoải mái, lo lắng, hoặc sợ hãi về một thực tế hoặc tình huống có thể xảy ra. Rối loạn lo âu là một vấn đề khá phổ biến sau khi người bệnh được chẩn đoán mắc ung thư. Vào những thời điểm khác nhau trong suốt quá trình điều trị và hồi phục, người bệnh ung thư và người thân của họ có thể cảm thấy sợ hãi và lo lắng.

Chỉ đơn giản khi ta phát hiện một khối u hoặc một dấu hiệu hoặc triệu chứng có thể là ung thư cũng đã có thể gây ra lo lắng và sợ hãi, nên việc biết chắc rằng mình bị ung thư hay ung thư tái phát có thể làm cho tình trạng lo âu sợ hãi này nặng nề hơn. Lo sợ về việc điều trị ung thư, việc phải đến bệnh viện thường xuyên và làm các xét nghiệm cũng có thể là nguyên nhân gây nên cảm giác lo sợ bất an.

Điều quan trọng là người bệnh và người thân cần nhận ra sự xuất hiện của rối loạn lo âu và thực hiện các bước để kiểm soát hoặc ngăn chặn tình trạng diễn biến nặng hơn.

Rối loạn lo âu khi bị ung thư - 1

Triệu chứng

Con người có thể cảm thấy sợ hãi đối với sự đau đớn về thể chất, cái chết, hoặc những điều có thể sẽ xảy ra sau khi chết, bao gồm cả những điều có thể xảy ra đối với những người thân.

Những cảm giác tương tự cũng có thể xảy ra với những người thân trong gia đình và bạn bè của người bệnh ung thư. Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn lo âu bao gồm:

- Lo âu căng thẳng biểu hiện ra nét mặt.

- Không kiểm soát được sự lo âu.

- Gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề và tập trung suy nghĩ.

- Căng cơ (trông căng thẳng hoặc căng cứng cơ).

- Run rẩy.

- Cảm giác bồn chồn, người bệnh có thể cảm thấy sốt ruột hoặc hốt hoảng.

- Khô miệng.

- Trở nên cáu bẳn hoặc dễ nổi giận ( cáu kỉnh hoặc nóng tính).

Người bệnh và người thân của họ nên làm gì

Người bệnh ung thư và người thân của họ có thể có các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn lo âu. Các dấu hiệu và triệu chứng đó có thể nghiêm trọng hơn nếu xảy ra gần như cả ngày và ngày nào cũng vậy, làm ảnh hưởng và cản trở sinh hoạt và cuộc sống thường nhật của họ. Trong những trường hợp này, việc đi khám sức khỏe tâm thần là cần thiết. Đôi khi, mặc dù có đầy đủ các triệu chứng, người bệnh vẫn phủ nhận tình trạng lo âu của họ. Nhưng nếu họ sẵn sàng thừa nhận rằng họ cảm thấy tinh thần đang sa sút và bất ổn thì việc điều trị có thể có hiệu quả.

- Khuyến khích việc nói chuyện với nhau (nhưng không bắt ép).

- Chia sẻ cảm xúc hoặc sự lo lắng, sợ hãi của bản thân với người thân

- Lắng nghe chăm chú những chia sẻ về cảm xúc của người thân. Bày tỏ ý muốn giúp đỡ nhưng không phủ nhận hoặc coi nhẹ cảm xúc của họ.

- Hãy nhớ rằng buồn rầu hay thất vọng là cảm xúc tự nhiên người nào cũng có.

- Tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia tư vấn và các nhóm trợ giúp về tâm lý xã hội.

- Một số phương pháp tịnh tâm để luyện tập khả năng tập trung như yoga có thể hữu ích cho người bệnh ở một số mức độ của rối loạn lo âu.

- Thiền, cầu nguyện, hoặc các hình thức hỗ trợ về tâm linh khác có thể hữu ích.

- Nhắm mắt, hít thật sâu, tập trung vào từng bộ phận của cơ thể và thư giãn, bắt đầu từ những ngón chân và kéo dần lên tới đỉnh đầu. Khi thả lỏng, thử nghĩ về những nơi dễ chịu, như bãi biển vào sáng sớm hay một cánh đồng đầy nắng mùa xuân.

- Tập thể dục, từ việc đi bộ nhẹ nhàng đến thói quen luyện tập thường xuyên có thể giúp giảm bớt rối loạn lo âu.

- Hỏi bác sĩ điều trị về việc sử dụng thuốc chống lo âu căng thẳng hoặc thuốc chống trầm cảm.

Những điều không nên làm

- Giấu kín cảm xúc

- Ép buộc người bệnh nói ra khi họ chưa sẵn sàng.

- Đổ lỗi cho bản thân hoặc người khác về cảm giác sợ hãi hay lo lắng

- Cố gắng nói lý hay tranh luận với một người đang có cảm giác sợ hãi hay lo lắng nghiêm trọng. Thay vào đó hãy nói chuyện với bác sĩ để có lời khuyên về thuốc và các sự trợ giúp khác.

Cơn hoảng loạn

Hoảng loạn có thể là triệu chứng báo động của rối loạn lo âu. Các cơn hoảng loạn xảy ra rất đột ngột và thường đạt tới mức nghiêm trọng nhất trong vòng 10 phút. Người bệnh có thể cảm thấy ổn giữa các cơn hoảng loạn, nhưng họ thường xuyên cảm thấy sợ cơn hoảng loạn có thể quay lại.

Rối loạn lo âu khi bị ung thư - 2

Triệu chứng

- Khó thở hoặc cảm giác như bị nghẹt thở *.

- Tim đập nhanh *.

- Cảm thấy chóng mặt, loạng choạng, choáng váng hoặc ngất xỉu *.

- Đau hoặc khó chịu ở ngực *.

- Cảm giác như bị nghẹn *.

- Run rẩy.

- Vã mồ hôi.

- Sợ rằng mình sẽ mất kiểm soát hoặc "phát điên".

- Có sự thôi thúc bên trong muốn trốn thoát.

- Cảm giác tê hoặc ngứa râm ran.

- Cảm giác "không có thực" hoặc "tách rời" chính bản thân họ.

- Ớn lạnh (run hoặc rùng mình) hoặc nóng bừng (có thể đổ mồ hôi hoặc đỏ mặt).

*Nếu một người có bất kỳ triệu chứng nào trong 5 triệu chứng đầu tiên (được đánh dấu *), đó có thể là trường hợp khẩn cấp hoặc đe dọa đến tính mạng. Hãy gọi ngay đến 115 hoặc cho bác sĩ nếu khi bản thân hoặc người thân có bất kỳ các triệu chứng (*) trên đây. Những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề khác, nghiêm trọng hơn như sốc, đau tim, rối loạn điện giải, xẹp phổi, phản ứng dị ứng, hoặc một số bệnh lý khác. Sẽ không an toàn nếu mặc định rằng các dấu hiện trên đây chỉ liên quan đến hoảng loạn, điều này chỉ được khẳng định khi có chẩn đoán chính xác từ bác sĩ.

Nếu người bệnh đã từng có cơn hoảng loạn trong quá khứ, và lần này lại xảy ra giống hệt như trước đây, họ thường có thể tự nhận ra đó là cơn hoảng loạn. Nếu người bệnh hồi phục hoàn toàn trong vài phút và không có triệu chứng nào nữa, thì nhiều khả năng đó là một cơn hoảng loạn. Sau khi được các bác sĩ chẩn đoán đúng là cơn hoảng loạn thì các phương pháp trị liệu và thuốc có thể có tác dụng với người bệnh.

Người thân nên làm gì để chăm sóc người bệnh

- Hỏi bác sĩ để chắc chắn rằng các triệu chứng của người bệnh là do hoảng loạn và không phải do các vấn đề về y tế khác.

- Khi người bệnh đang trong cơn hoảng loạn, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và nói nhẹ nhàng với họ.

- Ngồi bên người bệnh đang trong cơn hoảng loạn cho đến khi họ cảm thấy khá hơn.

- Gọi trợ giúp nếu cần.

- Sau khi cơn hoảng loạn qua đi, hãy khuyến khích người bệnh chấp nhận điều trị.

- Đưa đón người bệnh tới nơi điều trị. Chú ý: không để người bệnh tự điều khiển phương tiện giao thông vì cơn hoảng loạn có thể xảy ra khi đang lái xe.

- Những điều có thể giúp cho người bị rối loạn lo âu (xem ở trên) cũng có thể hữu ích cho người bị hoảng loạn.

Những điều không nên làm

- Đánh giá thấp, coi nhẹ nỗi kinh hoàng hoặc sợ hãi của người bệnh.

- Phán xét người bệnh vì họ cảm thấy sợ hãi hoặc có hành xử khác lạ.

- Cố gắng nói chuyện với người bệnh để lảng tránh nỗi sợ hãi hoặc cảm xúc của họ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm