1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh thực phẩm

(Dân trí) - Đây là thông điệp của Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM vừa được phát đi ngày 14/4 năm 2018.

Nhiều vụ heo tiêm thuốc an thần bị phanh phui trong năm 2017 không chỉ khiến cộng đồng hoang mang mà còn chứng minh cho thực tế các loại thực phẩm dù đã qua khâu kiểm soát của cơ quan chức năng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Ngoài những vụ heo tiêm thuốc an thần, hiều lò giết mổ lậu vẫn hoạt động
Ngoài những vụ heo tiêm thuốc an thần, hiều lò giết mổ lậu vẫn hoạt động

Năm 2018, trên địa bàn TPHCM chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên, trong năm 2017, ít nhất có 4 vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra. Trong tổng số 3.461 người ăn thì có 52 người phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc. Thực tế xác định có 2 vụ xảy ra tại trường học, 2 vụ xảy ra ở công nhân ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp. Nạn nhân bị ngộ độc là do thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nhiễm vi sinh vật.

Theo thống kê từ Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, trên địa bàn hiện có hơn 4.000 cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể, căn tin. Riêng ngành giáo dục có đến gần 3.000 cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể, căn tin. Suất ăn của học sinh có giá thành cao nên chất lượng được xem là tốt hơn so với công nhân song các vụ ngộ độc do thực phẩm vẫn xảy ra.

Bên cạnh bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng. Với những tiện ích như giá rẻ, mua nhanh, ăn nhanh, có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu… nên thức ăn đường phố trở thành món “khoái khẩu” của nhiều người.

Thành phố đang chủ động tìm kiếm vùng sản xuất thực phẩm sạch phục vụ cho người dân
Thành phố đang chủ động tìm kiếm vùng sản xuất thực phẩm sạch phục vụ cho người dân

Mặc dù ngành y tế đã chủ động trang bị, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người kinh doanh thức ăn đường phố, tuy nhiên tình trạng sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm trôi nổi, thực phẩm kém chất lượng, ăn uống kém vệ sinh… vẫn diễn ra. Thức ăn đường phố có thể không gây ngộ độc cấp tính nhưng hậu quả của các món ăn kém chất lượng hoặc chứa hóa chất nguy hại sẽ ảnh hưởng lâu dài, nguy cơ gây bệnh hiểm nghèo cho người sử dụng.

Ngoài ra, một mặt hàng khác đang trở thành mối lo ngại của cơ quan quản lý nhà nước là những loại rượu sản xuất thủ công. Rượu không được lên men, ủ và chưng cất được sản xuất hàng loạt bằng công nghệ pha chế từ men hóa học. Ngay cả những loại rượu Tây cũng được “sản xuất” bằng các loại hóa chất, cồn công nghiệp rất tinh vi. Người sử dụng loại rượu này có nguy cơ ngộ độc cấp tính hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hệ thần kinh.

Trước những vấn đề trên, tại buổi phát động Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM (ngày 14/4 năm 2018) với chủ đề: “Trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh thực phẩm”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban an toàn Thực phẩm cho hay: “Để ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu… chúng tôi đang triển khai truy xuất nguồn gốc, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Chúng tôi cũng sẽ tập trung xử lý các cơ sở sản xuất rượu thủ công, nhỏ lẻ không đạt tiêu chuẩn.”

Chọn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ là giải pháp để các bà nội trợ bảo vệ sức khỏe gia đình
Chọn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ là giải pháp để các bà nội trợ bảo vệ sức khỏe gia đình

Bên cạnh việc xây dựng các chợ thí điểm an toàn thực phẩm, thành phố đang chủ động tìm kiếm các vùng đánh bắt, chăn nuôi, trồng trọt để kiểm soát tận gốc chất lượng của các mặt hàng phục vụ người dân. Để hạn chế tình trạng ngộ độc, các bếp ăn tập thể tại khu chế xuất, khu công nghiệp, trường học… sẽ được giám sát chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra chất lượng.

PGS Phong Lan cho biết thêm: “Ban an toàn thực phẩm đang tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm từ khâu sản xuất đến lưu thông, phân phối và sử dụng các chất cấm, hóa chất ngoài danh mục, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, không để tình trạng lạm dụng, sử dụng các chất ngoài danh mục xảy ra”.

Người đứng đầu Ban An toàn Thực phẩm thành phố cũng kêu gọi cộng đồng: “Để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, mỗi bà nội trợ và cả cộng đồng cần nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng. Trường hợp phát hiện những mặt hàng lậu, hàng hóa không nhãn mác xuất xứ, kém chất lượng người dân cần kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý tránh nguy hại cho cộng đồng.”

Vân Sơn