TPHCM: Tiêu hủy khẩn gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần

(Dân trí) - Ngay sau khi nhận đề xuất của Ban An toàn Thực phẩm, UBND thành phố đã chấp thuận phương án tiêu hủy toàn bộ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần. Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu xử lý nghiêm cơ sở giết mổ dung dưỡng cho hành vi phạm tội.

Công văn “khẩn” do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 2/10 về vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần nêu rõ: “Xét đề nghị của Ban chỉ đạo Liên ngành về Vệ sinh An toàn Thực phẩm (ngày 2/10) về xử lý 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á huyện Củ Chi, để đảm bảo sức khỏe cho người dân, thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Đoàn thanh tra khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo được xác định bị tiêm thuốc an thần”.

Tổng số 3.750 con heo được xác định bị chích thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á
Tổng số 3.750 con heo được xác định bị chích thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á

Thành phố không chấp thuận phương án cho tổ chức nuôi nhốt số heo chờ thời gian đào thải hết thuốc rồi đưa vào giết mổ vì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ tồn dư thuốc và nguy cơ bệnh lở mồm long móng trong quá trình nuôi nhốt, lưu giữ. Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công khai danh tính của 13 thương lái (chủ lò) vi phạm và có biện pháp quản lý chặt sản phẩm thịt heo từ nguồn của những thương lái trên khi vào địa bàn thành phố trong thời gian tới.

UBND thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu chính thức hình thức xử phạt và tạm ngừng hoạt động đối với cơ sở giết mổ Xuyên Á để chấn chỉnh, buộc áp dung mô hình chuẩn cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại. Bên cạnh đó, thành phố cũng giao cho Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất, khiến nghị bổ sung những chế tài nghiêm khắc về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi trên.

Ngoài ra, thành phố nhắc nhở Sở Công Thương phải có giải pháp bình ổn thị trường không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt heo trong thời gian cơ sở giết mổ Xuyên Á tại huyện Củ Chi ngừng hoạt động.

Trong quá trình nuôi nhốt, heo đã bị lở mồm, long móng
Trong quá trình nuôi nhốt, heo đã bị lở mồm, long móng

Sau khi thành phố có quyết định chính thức về việc tiêu hủy toàn bộ lô heo bị tiêm thuốc an thần, trao đổi với phóng viên, ông Phan Xuân Thảo - Chi cục Trưởng Chi cục Thú Y TPHCM cho biết, đơn vị này sẽ nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố thông qua các phương án từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hiện, việc tiêu hủy heo dương tính với thuốc an thần chưa có các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng lở mồm long móng trên số heo dương tính với thuốc an thần đang nuôi nhốt đã xảy ra nên việc xử lý, tiêu hủy sẽ thực hiện theo phương án xử lý một ổ dịch.

Trao đổi với phóng viên, PGS.Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm thành phố bức xúc: “Đây là sai phạm không thể chấp nhận được. Từ trước tới nay, các vụ tiêm thuốc, bơm nước vào heo những tưởng chỉ xảy ra ở các cơ sở nhỏ lẻ, ai ngờ tại một cơ sở giết mổ lớn nhất của thành phố với hàng nghìn con heo (chiếm 50% số lượng heo thịt cung cấp cho toàn thành – PV), những đối tượng vô nhân tính vẫn ngang nhiên tiêm thuốc vào heo trước khi giết mổ”.

Bà Phong Lan nhấn mạnh: “Vụ việc trên là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm tới sức khỏe của nhân dân, phải nhờ đến sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công an mật phục điều tra mới có thể phanh phui hành vi phạm tội. Tuy nhiên, nếu chiếu theo các quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ chỉ bị xử phạt hành chính với mức 30 đến 35 triệu đồng. Đây là mức phạt “nhẹ hều”, không nghĩa lý gì so với mức lợi nhuận khổng lồ từ hành vi vi phạm của các gian thương, nếu chỉ xử phạt như vậy, nguy cơ tái diễn sẽ ở mức rất cao”.

Số heo bị chích thuốc đang được xử lý, tiêu hủy
Số heo bị chích thuốc đang được xử lý, tiêu hủy

Bà Phong Lan phân tích: “Nếu không tiêu hủy mà để số heo trên được đưa vào giết mổ, cung cấp sản phẩm ra thị trường thì ai dám đứng ra để khẳng định số thịt người dân sử dụng là an toàn. Trên thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ căn cứ vào việc thử nước tiểu của heo xem có còn dấu vết của thuốc an thần hay không nhưng việc thử nước tiểu chỉ xác định thuốc an thần có còn đào thải qua thận nữa hay không chứ không có ý nghĩa khẳng định lượng tồn dư của thuốc trong thịt của heo đã hết. Nếu chờ đào thải hết thì ít nhất phải mất 2 tuần khi đó thì heo cũng chết vì lở mồm long móng trong quá trình nuôi nhốt”.

Trưởng Ban An toàn thực phẩm thành phố khẳng định, việc tiêu hủy là giải pháp cần thiết phải làm để tránh nguy hiểm cho người dân. Đây cũng là bài học đắt giá cho những doanh nghiệp làm ăn bất chính, cũng có thể xem là “án điểm” cho TPHCM cũng như các địa phương khác.

Vân Sơn