TPHCM: Sốt xuất huyết, tay chân miệng đang “nóng”

(Dân trí) - So với cùng kỳ năm trước, cả sốt xuất huyết và tay chân miệng đang ở mức rất cao. Dịch bệnh diễn biến khó lường ngay trong quý đầu của năm, cảnh báo những dấu hiệu bất thường, người dân cần chủ động các biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Ô nhiễm môi trường đang tạo ra những ổ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Thời tiết đã đi sâu vào những tháng mùa khô, nắng nóng kéo dài nhưng số ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TPHCM vẫn ở mức “nóng”. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, tính đến ngày 7/3/2019 toàn thành đã ghi nhận hơn 9.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với trung bình của 4 tuần trước, bệnh đang giảm mạnh nhưng so với cùng kỳ năm trước, sốt xuất huyết đã tăng 255% (2019 là 2.547 ca).

Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 đến 400C, tình trạng sốt kéo dài 2 tới 7 ngày, khó hạ sốt. Người bệnh sẽ đối mặt với đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban ngoài da. Ở thể bệnh nặng bệnh nhân sẽ bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp).

20150910_101535.JPG

Từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết khiến 2 người tại TPHCM tử vong

 

Tuy nhiên, những biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết có thể dễ nhầm với viêm hô hấp, sốt siêu vi. Mặt khác, nhiều người bệnh do thiếu hiểu biết về bệnh hoặc chủ quan không đến bệnh viện sớm nên bệnh diễn tiến nặng gây khó khăn cho việc điều trị. Từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết đã khiến 2 ca bệnh tại TPHCM tử vong vì biến chứng.

Muỗi là vật trung gian lây truyền vi rút sốt xuất huyết từ người bệnh sang người lành. Đến nay, vắc xin phòng bệnh vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm nên diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt là giải pháp tối ưu để tránh nguy cơ mắc bệnh, bùng phát dịch trong cộng đồng. Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố kêu gọi cộng đồng chủ động hợp tác, hỗ trợ nhân viên phòng dịch trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi. Mọi gia đình, công sở cần chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi trong nhà và trong khuôn viên sân vườn, ban công… Khi có dấu hiệu bệnh cần thăm khám, điều trị sớm.

20151016_094037_1.JPG

Vệ sinh môi trường là giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế muỗi truyền bệnh

 

Bên cạnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang ở mức cao. BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Số ca bệnh tay chân miệng tích lũy tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố cộng dồn từ đầu năm 2019 đến nay là 1.761 ca, tăng 65% so với cùng kỳ (năm 2018 là 1070 ca). Ý thức của cộng đồng về bệnh tay chân miệng đã cải thiện, bệnh nhi nhập viện sớm, được điều trị kịp thời nên từ đầu năm đến nay chưa có ca bệnh tử vong.

Theo chu kỳ hàng năm, bệnh tay chân miệng sẽ đạt đỉnh dịch lần thứ nhất vào tháng 4 đến tháng 6 và đợt dịch thứ 2 rơi vào khoảng tháng 8 đến tháng 10. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường tiêu hóa do vi rút, tốc độ lây lan nhanh, diễn tiến nguy hiểm với các biến chứng viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... nguy cơ tử vong cao.

20130926_104155.JPG

Trẻ em cần được bảo vệ để tránh bị tay chân miệng tấn công

 

Đến nay, tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa rất đơn giản bằng những biện pháp luôn giữ nhà cửa, đồ chơi của trẻ sạch sẽ, thoáng mát; rửa tay thường xuyên dưới vòi nước sạch; không cho trẻ ăn chung dưới mọi hình thức…

Khi phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ, thấy bé có các dấu hiệu sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, da chủ yếu ở dạng bỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông; ngủ hay giật mình; lơ mơ… cần đưa bệnh nhi đi thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời. Để tránh lây lan cho cộng đồng, trẻ mắc bệnh cần được cách ly, điều trị, phụ huynh chỉ cho trẻ đến trường khi đã được bác sĩ xác nhận khỏi bệnh.

Vân Sơn