TPHCM: Người phụ nữ ngưng tim, ngưng thở khi đang ăn bánh tét

Hoàng Lê

(Dân trí) - Thấy mẹ đang ăn bánh tét đột nhiên tím tái, người con gái hoảng hốt gọi tổng đài 115. Đến nơi, các nhân viên y tế phát hiện nạn nhân đã ngưng tim, ngưng thở.

Ngày 20/8, lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 (TPHCM) cho biết, vừa qua điều phối viên tổng đài 115 đã điều phối và kịp thời hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại một nạn nhân bị mắc nghẹn dẫn đến ngưng tim.

Nguy kịch khi đang ăn bánh tét

Theo đó, vào khoảng 14h50 ngày 19/8, tổng đài 115 tiếp nhận cuộc gọi đề nghị cấp cứu cho một phụ nữ khoảng 60 tuổi, địa chỉ ở phường 4, quận 3 (TPHCM). Khi gọi 115, người con gái mất bình tĩnh, hoảng hốt vì mẹ đột nhiên tím tái khi đang ăn bánh tét.

TPHCM: Người phụ nữ ngưng tim, ngưng thở khi đang ăn bánh tét - 1

Ca bệnh ngưng tim được điều phối viên hướng dẫn ép tim qua điện thoại (Ảnh: TT).

Sau khi trấn an, hỏi bệnh sử, điều phối viên 115 xác định ngay nạn nhân bị dị vật đường thở nghi do thức ăn, đồng thời bằng nghiệp vụ đã khai thác phát hiện người bệnh có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở.

Ngay lập tức, qua điện thoại, điều phối viên hướng dẫn gia đình ép tim, đồng thời cử ekip cấp cứu đến hiện trường.

Trong lúc chờ xe cấp cứu đến, người nhà vẫn được kết nối, hướng dẫn ép tim liên tục. May mắn, nhờ được sơ cứu kịp thời đúng cách, sau 6 phút nạn nhân đã nôn dị vật ra.

Thời điểm ekip cấp cứu ngoại viện từ Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM đến hiện trường, nạn nhân đã tỉnh, hồng hào, vã mồ hôi, phát hiện nhiều mảnh vụn bánh tét dưới sàn bị nôn ra. Sau khi tiến hành sơ cấp cứu, các bác sĩ chuyển người phụ nữ vào điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có mạch 98 lần/phút, huyết áp 140/80 mmHg, chỉ số Sp02 (oxy trong máu) đạt 98%. Bệnh nhân được chẩn đoán hóc dị vật (thức ăn) vào đường hô hấp, sau đó xuất viện trong ngày.

Hiệu quả cứu người của quy trình T-CPR

Theo Trung tâm Cấp cứu 115, trung bình mỗi tháng đơn vị tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh ngưng tim, ngưng thở ngoài hiện trường. Với tình huống nguy kịch như vậy, người bệnh cần được ép tim hiệu quả ngay lập tức nhằm duy trì tuần hoàn. Việc này được thực hiện bởi người chứng kiến đầu tiên trước khi ekip cấp cứu chuyên nghiệp đến.

TPHCM: Người phụ nữ ngưng tim, ngưng thở khi đang ăn bánh tét - 2

Điều phối viên tiến hành điều xe cấp cứu gần nhất đến hiện trường (Ảnh: TT).

Dựa trên nhu cầu đáp ứng hiệu quả hơn trong hoạt động cấp cứu ngoại viện, từ năm 2023, Trung tâm Cấp cứu 115 đã triển khai quy trình T-CPR (còn gọi là hồi sinh tim phổi qua thiết bị viễn thông) cho lực lượng điều phối viên cấp cứu.

Với quy trình này, hệ thống tiếp nhận và điều phối cấp cứu qua tổng đài 115 đảm nhận thêm nhiệm vụ duy trì kết nối với người bệnh, kịp thời tư vấn, hướng dẫn những việc nên làm và không nên làm và cách sơ cứu qua phương tiện telemedicine trong một số trường hợp.

Chương trình trên giúp điều phối viên biến người gọi điện cấp cứu thành người sơ cứu ban đầu để trực tiếp tham gia, thực hiện các kỹ thuật sơ cứu cơ bản dưới sự hướng dẫn (đặc biệt có ý nghĩa trong hoàn cảnh người bệnh ngưng tim ngưng thở, dị vật…).

Thực tiễn trong thời gian qua, rất nhiều người bệnh ngưng tim, ngưng thở ngoài cộng đồng được thực hiện T-CPR bởi điều phối viên, giúp ekip cấp cứu 115 đến thực hiện cấp cứu thành công và chuyển vào bệnh viện an toàn.

TPHCM: Người phụ nữ ngưng tim, ngưng thở khi đang ăn bánh tét - 3

Xe cấp cứu ngoại viện tại Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Để thực hiện hiệu quả quy trình T-CPR, điều phối viên không chỉ cần có kinh nghiệm trong hoạt động cấp cứu ngoại viện mà còn phải được đào tạo công phu về các kỹ năng cần thiết.

Cụ thể, họ phải thành thục cách thức trấn an người hoảng loạn, lắng nghe và chọn lọc khai thác thông tin để xác định nhanh dấu hiệu nguy kịch, động viên người gọi tham gia sơ cứu, khẩu lệnh thống nhất qua hỗ trợ bởi công nghệ, thực hành đa nhiệm vừa tư vấn, sơ cứu, điều phối một cách chuyên nghiệp...

Trong thời gian tới, Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp đến năm 2030.

Tổng đài 115 sẽ từng bước nâng cấp thành cổng tiếp nhận và điều phối cấp cứu 115, với lực lượng điều phối viên chuyên nghiệp (Dispatcher), sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm