1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Người phụ nữ bỏng 50% cơ thể, nghi bị nhân tình tạt xăng đốt

Hoàng Lê

(Dân trí) - Một phụ nữ tại TPHCM nhập viện trong tình trạng bỏng 50%, phải điều trị dài ngày với viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chiều tối 14/2, nguồn tin của Dân trí cho biết, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) đang điều trị cho một bệnh nhân bị bỏng rất nặng.

Bệnh nhân là một phụ nữ 42 tuổi, nhập viện trong tình trạng bỏng 50% độ 3-4 từ vùng mặt, thân, tứ chi. Theo thông tin ban đầu, trước đó vì mâu thuẫn, bệnh nhân bị nhân tình tạt xăng lên người rồi châm lửa đốt, khiến cơ thể hóa thành "ngọn đuốc sống".

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ xác định bệnh nhân bỏng nặng nhất ở khu vực đùi, tay và bụng, bỏng sâu 20%, sức khỏe rất xấu. Bệnh nhân được chuyển gấp vào phòng hồi sức tích cực, mổ cắt lọc hoại tử, ghép da 4 lần.

Sau hơn một tháng điều trị, sức khỏe người phụ nữ dần phục hồi, vết mổ tiến triển tốt và vẫn đang được theo dõi tích cực. Nếu không có gì thay đổi, hơn một tuần nữa bệnh nhân có thể được xem xét cho xuất viện. Vì quá trình điều trị kéo dài, viện phí của bệnh nhân hiện đã hơn 100 triệu đồng.

Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng cũng đã vào bệnh viện để tiến hành điều tra, lấy lời khai của bệnh nhân.

TPHCM: Người phụ nữ bỏng 50% cơ thể, nghi bị nhân tình tạt xăng đốt - 1

Bệnh viện Trưng Vương, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngoài trường hợp này, Bệnh viện Trưng Vương cũng đang tiếp nhận một trường hợp khác bỏng xăng 50% diện tích cơ thể, kèm bỏng hô hấp nặng. Bệnh nhân là một nam thanh niên, trong cơn ngáo đá đã tự tạt xăng đốt nhà, sau đó chính mình cũng gặp nạn.

Các bác sĩ chia sẻ, người dân không nên chứa hay tích trữ xăng trong nhà, bởi chỉ cần một đóm lửa nhỏ cũng sẽ bùng lên rất nhanh. Khi tiếp xúc với xăng cần hết sức cẩn trọng, tránh để xăng gần nơi nóng bức, có nguồn điện. Với những ca bỏng xăng, ngoài nguy cơ đe dọa tính mạng, bệnh nhân cũng đối diện với di chứng nặng nề, kéo dài như sẹo co rút và ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý.

"Xăng để trong nhà giống như quả "bom nổ chậm" vì không biết lúc nào sẽ gây ra cháy nổ. Người bị bỏng xăng thường sẽ bỏng diện rộng, nên điều trị kéo dài và chịu nhiều đau đớn.

Đặc biệt, với người lớn tuổi có những bệnh lý nền (như tiểu đường, tăng huyết áp), thời gian hồi phục chậm và điều trị rất khó khăn. Trước Tết, bệnh viện cũng đã có một trường hợp tử vong vì bỏng xăng" - nguồn tin cảnh báo.