1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Ngành y tế đang “bị động” đối phó với dịch bệnh

(Dân trí) - Dịch tay chân miệng tiếp tục lây lan trên diện rộng, trong khi đó bệnh sốt xuất huyết đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010. Tại cuộc họp giao ban quận huyện, ông Phạm Việt Thanh thẳng thắn thừa nhận “ngành y tế đang bị động chống dịch”.

Số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn TPHCM phải nhập viện điều trị trong tháng 6 tiếp tục lập kỷ lục mới với 2.093 ca (tháng 5 là 1.433 ca) trong đó 5 ca đã tử vong. Tính đến hết tháng 6 cả nước có 38 ca tử vong vì bệnh này, riêng TPHCM đã chiếm 17 ca. Hiện vẫn còn 50% phường xã trên toàn thành có 6 ca mắc bệnh trở lên.

Bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu giảm xuống ở một số quận huyện nhưng mức độ giảm nói trên so với toàn thành phố không bền vững bởi tại các quận 2, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Tân số trẻ mắc bệnh vẫn liên tiếp tăng lên.

TPHCM: Ngành y tế đang “bị động” đối phó với dịch bệnh - 1
Ngành Y tế thành phố đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với hai loại dịch


Trong khi đó, dù mới bước vào đầu mùa mưa nhưng bệnh SXH đang tăng nhanh trong 2 tháng gần đây. Nếu tháng 5, toàn thành phố mới chỉ có 198 phường xã có SXH với 518 ca mắc bệnh thì bước sang tháng 6, SXH đã xuất hiện trên 241 phường xã khiến gần 900 người nhập viện. Từ đầu năm đến nay đã có 2 người tử vong vì bệnh này, so với cùng kỳ năm 2010 số ca bệnh tăng gần gấp 3 lần.

Trước tình hình trên, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế nhận định: “Dịch TCM rất nguy hiểm đang lây lan trên diện rộng đe dọa sức khỏe và tính mạng của trẻ em, UBND thành phố đã hai lần quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia chống dịch nhưng vẫn chưa mang lại kết quả. Nếu không khống chế được sự lây lan của dịch TCM trong tình hình bệnh SXH tăng cao thì ngành y tế sẽ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn”.

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến “thất bại” trong công tác phòng chống dịch ông Việt Thanh cho biết: “Chúng ta đã có nhiều kế hoạch, văn bản hướng dẫn, kiểm tra giám sát nhưng việc thực hiện không tốt. Kế hoạch vạch ra không cụ thể, nội dung chung chung, công tác giám sát và thực hiện chưa chặt chẽ,… Bên cạnh việc chưa có vắc-xin phòng TCM, ngành y tế thành phố đang bị động đối phó trong công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh”.

Vân Sơn