1. Dòng sự kiện:
  2. Dịch cúm đầu năm 2025

TPHCM, Nam Bộ liên tục có mưa trái mùa: Những bệnh nào dễ xuất hiện ở trẻ?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, trong bối cảnh TPHCM và các tỉnh, thành lân cận có mưa trái mùa, trẻ nhỏ sẽ có nguy cơ bị nhiều căn bệnh tấn công.

5 bệnh có thể tấn công trẻ khi mưa trái mùa

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Đắc Nguyên Anh, Trưởng khoa Khám theo yêu cầu - Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), cho biết mưa trái mùa tại TPHCM và các tỉnh, thành lân cận có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

TPHCM, Nam Bộ liên tục có mưa trái mùa: Những bệnh nào dễ xuất hiện ở trẻ? - 1

TPHCM liên tục có mưa trái mùa (Ảnh minh họa: Biên Thùy).

Cụ thể, nhiều bệnh lý trẻ có thể mắc phải trong thời tiết nêu trên.

Thứ nhất là bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, do thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho virus và vi khuẩn phát triển. Với trẻ có tiền sử mắc hen suyễn, bệnh có thể trở nặng.

Thứ hai là cảm lạnh, cảm cúm. Thời tiết thay đổi đột ngột khiến trẻ dễ nhiễm virus gây cảm lạnh, cảm cúm, với các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi.

Thứ ba là dị ứng và bệnh da liễu. Độ ẩm cao làm gia tăng nguy cơ viêm da, hăm da, rôm sảy và nhiễm nấm da. Ngoài ra trẻ dễ bị kích ứng da, nổi mề đay do dị ứng thời tiết.

TPHCM, Nam Bộ liên tục có mưa trái mùa: Những bệnh nào dễ xuất hiện ở trẻ? - 2

Trẻ điều trị bệnh đường hô hấp ở TPHCM (Ảnh: Biên Thùy).

Thứ tư là bệnh đường tiêu hóa. Mưa trái mùa có thể khiến trẻ dễ nhiễm khuẩn đường ruột, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm.

Thứ năm, sốt xuất huyết và tay chân miệng. Mưa làm tích tụ nước, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết. Độ ẩm cao cũng làm gia tăng bệnh tay chân miệng do virus lây lan nhanh trong điều kiện ẩm ướt.

Khuyến cáo của bác sĩ

Bác sĩ Nguyên Anh phân tích thêm, độ ẩm không khí tăng là môi trường lý tưởng cho virus cúm, virus RSV, adenovirus và vi khuẩn. Đây là tác nhân gây viêm đường hô hấp trên (như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi).

Trẻ cũng dễ bị lây nhiễm cúm khi tiếp xúc trong môi trường đông người. Đặc biệt, những trường hợp có cơ địa yếu hoặc bệnh lý nền (hen suyễn, tim bẩm sinh, bệnh lý phổi mạn…) sẽ dễ bị bệnh nặng hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có các triệu chứng sốt, ho, nôn ói, tiêu chảy, phụ huynh cần đưa con em đến cơ sở chuyên khoa nhi để thăm khám, can thiệp kịp thời và đúng cách, không tự điều trị bệnh cho trẻ tại nhà.

TPHCM, Nam Bộ liên tục có mưa trái mùa: Những bệnh nào dễ xuất hiện ở trẻ? - 3

Bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 2 khám bệnh cho trẻ (Ảnh: Biên Thùy).

Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, cha mẹ nên giữ ấm cơ thể cho trẻ khi trời trở lạnh; đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng; tiêm ngừa cúm đầy đủ cho trẻ; hạn chế để con em nghịch nước mưa; tránh mặc quần áo ướt lâu.

Phụ huynh cũng cần chú ý mang khẩu trang cho trẻ khi đến nơi công cộng hoặc hạn chế ra đường nếu không cần thiết; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; diệt muỗi, lật úp các vật dụng chứa nước để hạn chế sinh sôi lăng quăng…

Mới đây, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ đã phát bản tin cảnh báo dông, tố, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ ở khu vực.

Cụ thể, qua theo dõi trên mây vệ tinh, ảnh ra đa thời tiết, định vị sét chiều 16/2, cho thấy mây dông đang phát triển, gây mưa rào kèm theo dông, sét trên khu vực miền Tây (như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An) và miền Đông như Đồng Nai, TPHCM (huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn).

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, trong những giờ tới, mây dông tiếp tục phát triển, gây mưa rào kèm dông sét cho các khu vực kể trên, sau đó lan rộng sang các nơi lân cận. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh cấp 5-8.

Trước đó, TPHCM và một số tỉnh thành khu vực miền Đông Nam Bộ cũng hứng chịu những trận mưa liên tục ngay sau Tết. Đặc biệt, trận mưa trái mùa từ đêm 12/2 đến rạng sáng 13/2 có tổng lượng mưa 72,5mm tại trạm Tân Sơn Hòa, cao nhất trong 40 năm qua và chưa từng xảy ra ở địa phương.

Cách nhận diện 5 loại bệnh ở trẻ

1. Dấu hiệu bệnh đường hô hấp

- Sốt cao liên tục trên 38,5⁰C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt;

- Ho nhiều, thở khò khè, khó thở, tím tái môi hoặc đầu ngón tay, ngón chân;

- Trẻ thở nhanh hơn bình thường, rút lõm lồng ngực (dấu hiệu viêm phổi), không bú được.

2. Dấu hiệu bệnh tiêu hóa

- Nôn ói nhiều, tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày, phân có máu hoặc chất nhầy;

- Bụng chướng, đau bụng dữ dội, bỏ ăn, không uống được nước;

- Mất nước: khát nước nhiều, môi khô, da nhăn nheo, tiểu ít.

3. Dấu hiệu sốt xuất huyết

- Sốt cao liên tục trên 2 ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt;

- Chấm đỏ trên da, bầm tím bất thường, chảy máu cam, chảy máu chân răng;

- Đau bụng vùng gan, nôn nhiều, lừ đừ, mệt mỏi.

4. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng

- Sốt cao không hạ, quấy khóc liên tục, giật mình, run tay chân;

- Nổi mụn nước nhiều ở lòng bàn tay, chân, miệng, mông kèm loét miệng nặng;

- Lừ đừ, ngủ li bì, co giật hoặc đi loạng choạng.

5. Dấu hiệu dị ứng, bệnh da liễu nghiêm trọng

- Phát ban, mẩn ngứa lan rộng, sưng phù môi, mắt;

- Nhiễm trùng da: vết thương sưng đỏ, có mủ, sốt kèm theo.