Bác sĩ Việt mổ "3 trong 1" cứu người phụ nữ Campuchia bị ngưng thở khi ngủ
(Dân trí) - Người phụ nữ Campuchia bị hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ nặng, cần phải can thiệp phẫu thuật chỉnh hình họng để mở rộng đường hô hấp trên. Tuy nhiên, cuộc mổ này rất phức tạp.
Chiều tối 15/2, đại diện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM) cho biết, các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng của nơi này vừa điều trị dứt điểm hội chứng ngưng thở khi ngủ nặng cho người bệnh nước ngoài.
Bệnh nhân là chị L. (42 tuổi, quốc tịch Campuchia). Khai thác bệnh sử, khoảng 6 tháng trước, chị L. bắt đầu xuất hiện tình trạng ngủ ngáy to, thở không đều trong lúc ngủ, thường thức giấc giữa đêm và liên tục đau đầu, uể oải, buồn ngủ vào ban ngày.
Tình trạng này kéo dài liên tục khiến sức khỏe bệnh nhân ngày càng giảm sút, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Sau thời gian tìm hiểu, người phụ nữ quyết định đến bệnh viện ở Việt Nam để điều trị.

Chị L. được chẩn đoán mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Ảnh: BV).
Sau khi nội soi tai mũi họng bằng ống mềm, các bác sĩ phát hiện người bệnh có tình trạng hẹp eo họng (phần phía sau của họng bao gồm màn khẩu cái mềm, lưỡi gà, amidan, đáy lưỡi) do amidan phì đại cấp độ III và sa màn hầu lưỡi gà.
Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng ngáy to hoặc ngưng thở khi ngủ, do sự tắc nghẽn trong đường thở. Đồng thời, tình trạng thừa cân - béo phì cũng gây áp lực lên đường thở, làm gia tăng tình trạng ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Nhật Vinh, phụ trách khoa Liên chuyên khoa, đồng thời là người điều trị chính của chị L., chẩn đoán người bệnh mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) mức độ nặng, cần phải can thiệp phẫu thuật chỉnh hình họng để mở rộng đường hô hấp trên.
Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, ekip điều trị đã cùng lúc cắt 2 amidan khẩu cái phì đại bằng dao điện đơn cực; một phần đáy lưỡi và amidan đáy lưỡi bằng máy Coblator (sử dụng năng lượng từ sóng điện từ có tần số cao). Đồng thời, các bác sĩ cũng cắt lưỡi gà và cơ khẩu cái lưỡi để mở rộng đường thở cho người bệnh.
Sau thời gian ngắn phẫu thuật, người bệnh hồi phục nhanh và ít đau, có thể nói chuyện, ăn uống được thức ăn mềm. Đặc biệt, người phụ nữ không xuất hiện các biến chứng chảy máu, hít sặc và rối loạn vị giác, có thể thở dễ dàng hơn khi nằm, không còn tình trạng ngáy và ngưng thở trong lúc ngủ.
Sau 4 ngày điều trị nội trú và theo dõi, sức khỏe người bệnh ổn định, có thể xuất viện ra về cùng người thân.
Theo bác sĩ Vinh, đây là một ca mổ phức tạp với nhiều công đoạn phẫu thuật, do đường hô hấp trên của người bệnh cùng lúc gặp nhiều vấn đề. Hơn nữa, không gian cho phép phẫu thuật bên trong phần họng người bệnh cũng rất hạn chế và khó thao tác.
Vì vậy, cuộc mổ không những đòi hỏi đội ngũ điều trị có trình độ chuyên môn cao, mà còn cần đến sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị phẫu thuật hiện đại để tăng tỷ lệ thành công.

Phần amidan khẩu cái phì đại, lưỡi gà và một phần đáy lưỡi của bệnh nhân được loại bỏ thành công sau mổ (Ảnh: BV).
Các bác sĩ khuyến cáo, hội chứng ngưng thở khi ngủ đang ngày càng phổ biến, nhưng cũng dễ bị bỏ qua, vì hiểu lầm ngáy là biểu hiện của một giấc ngủ ngon.
Vì vậy, hội chứng này sẽ diễn tiến âm thầm và thường dẫn đến các biến chứng liên quan đến tim mạch, huyết áp, tiểu đường, rối loạn sinh lý, thậm chí đột quỵ trong lúc ngủ, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.
"Nếu thường xuyên ngáy to, khó thở, thở không đều khi ngủ, khô và đau họng khi thức dậy hoặc mệt mỏi, buồn ngủ và thiếu tập trung vào ban ngày (đặc biệt khi lái xe hay vận hành máy móc), người bệnh cần khám chuyên khoa tai mũi họng để chẩn đoán kịp thời và điều trị phù hợp", bác sĩ Vinh khuyến cáo.