TPHCM: Máy vi tính khoa Cấp cứu bệnh viện "tan nát", bệnh nhân lãnh đủ

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trưởng khoa tại Bệnh viện Trưng Vương TPHCM bức xúc chia sẻ, máy vi tính ở khoa Cấp cứu đã "tan nát", làm chậm và mất dữ liệu. Cuối cùng, chính bệnh nhân là người gánh hậu quả.

Tại buổi làm việc của Ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM trong quá trình thực hiện đề án y tế thông minh của Bệnh viện Trưng Vương, diễn ra ngày 9/11, Ban Giám đốc bệnh viện đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn về quá trình này.

Vừa khó khăn về hạ tầng, nhân sự, vừa thiếu tiền

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Trưng Vương chia sẻ, về mặt thuận lợi, bệnh viện được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, được giao thực hiện dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng bệnh viện thông minh" đúng với nhu cầu và tâm thế của toàn thể nhân viên. Bệnh viện đang xây dựng hạ tầng một số khối nhà, điều này giúp thuận tiện trong việc tích hợp hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và hạ tầng xây dựng.

Thuận lợi thứ hai là việc Ban giám đốc quan tâm đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và ứng dụng CNTT. Công ty phần mềm đã gắn bó với bệnh viện từ nhiều năm nay, hiểu rõ các nhu cầu và đáp ứng kịp thời các thay đổi trong thực tế vận hành, tích cực phối hợp trong xu hướng chuyển đổi số của bệnh viện.

TPHCM: Máy vi tính khoa Cấp cứu bệnh viện tan nát, bệnh nhân lãnh đủ - 1

Bệnh viện Trưng Vương, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đầu tiên, bệnh viện đang trong quá trình xây dựng mới, các khoa phòng không thể sửa chữa lớn, đường đi lối lại bị chia cắt, do vậy hạ tầng mạng cũng bị ảnh hưởng theo.

Kế đến, phần mềm được bệnh viện xây dựng từ lâu, các tính năng, các phân hệ được xây dựng, phát triển dần dần nên chưa mang được tính tổng thể. Hiện nay phòng CNTT đang thiếu nhân lực có trình độ sau đại học, nhân sự chuyên trách lập trình, chuyên trách cơ sở dữ liệu. Tại các khoa phòng, nhân sự cũng không ổn định vì nghỉ việc, ảnh hưởng đến thời gian triển khai các phân hệ mới.

Hệ thống máy chủ bệnh viện cũng chưa đáp ứng được các điều kiện hoàn chỉnh để triển khai bệnh án điện tử. Việc triển khai nhân rộng và hoàn thiện ứng dụng thông minh tại khoa khám bệnh chậm tiến độ, do bệnh viện không đủ kinh phí để tiếp tục đầu tư.

Bệnh nhân lãnh đủ

TS.BS Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu, người có 30 năm công tác tại Bệnh viện Trưng Vương chia sẻ, dịch Covid-19 không chỉ gây hại cho người bệnh mà còn tàn phá cơ sở vật chất của bệnh viện điều trị.

Cụ thể, trong thời gian dịch, bệnh viện phải thường xuyên phun xịt khử khuẩn, nên các máy vi tính, máy lạnh, máy thở, thậm chí máy điện tim cũng hư hao.  Bác sĩ Tuấn thẳng thắn chia sẻ, máy vi tính ở khoa Cấp cứu bệnh viện đã "tan nát", làm chậm và mất dữ liệu, khiến nhân viên y tế không có phim X-quang cho người bệnh, so ra không bằng một phòng bệnh bình thường. Nếu đợi cơ chế thì không biết chừng nào mới mua được.

Tình trạng này vừa dẫn đến việc chăm sóc người bệnh không đáp ứng không nổi, vừa làm thu nhập y bác sĩ giảm. Thêm vào đó, chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 bị chậm trễ suốt nhiều quý, dẫn đến việc nhiều nhân viên y tế sẽ nghỉ việc. "Cuối cùng nhân viên y tế có chết không? Tôi trả lời là không. Người chết là bệnh nhân, họ sẽ lãnh đủ", bác sĩ Tuấn khẳng định.

TPHCM: Máy vi tính khoa Cấp cứu bệnh viện tan nát, bệnh nhân lãnh đủ - 2

Bệnh viện Trưng Vương thời điểm chuyển công năng hoàn toàn sang điều trị COVID-19 (Ảnh: Hoàng Lê).

Một trăn trở khác là việc chưa thể xây dựng bệnh viện mới. Bác sĩ Tuấn tâm sự, ông làm việc tại đây từ năm 1992 và đã nghe nói về đề án xây mới, nhưng giờ sắp nghỉ hưu vẫn chưa biết khi nào được đặt chân vào tòa nhà mới của bệnh viện.

Từ thực trạng trên, Bệnh viện Trưng Vương kiến nghị được tiếp nhận và thực hiện đề án "Xây dựng cơ sở hạ tầng bệnh viện thông minh", được quan tâm chi phí bảo trì bảo dưỡng hàng năm sau khi đề án đã kết thúc, hoặc cơ cấu chi phí CNTT vào giá viện phí.

Bệnh viện muốn được chuyển chi phí bệnh án giấy, in phim sang chi phí đầu tư CNTT. Đơn vị cũng kiến nghị, các bệnh viện nên hợp tác đầu tư về CNTT, chia sẻ nguồn tài nguyên, dữ liệu để tránh lãng phí, dữ liệu trùng lắp.

Ngoài ra, Bệnh viện Trưng Vương mong có chính sách ưu đãi cho nhân viên CNTT ngành y tế, vì không thể cạnh tranh nổi thu nhập so với bên ngoài.

"Hiện tại việc xây dựng khối nhà A bị chậm tiến độ khoảng 5 tháng sẽ kéo theo hàng loạt sự chậm trễ khác, trong đó có việc xây dựng hạ tầng mạng.

Bệnh viện đang phối hợp với các cơ quan chức năng để thúc đẩy tiến độ xây dựng" - đại diện Bệnh viện Trưng Vương chia sẻ.