TPHCM: Hơn 21.000 ca Covid-19, nhiều bệnh nhân đột ngột trở nặng

Thế Anh

(Dân trí) - Trong ngày 15/7, Việt Nam ghi nhận 3.379 ca Covid-19, riêng TPHCM là 2.691 trường hợp.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng, đột ngột trở nặng

Tại Bệnh viện Dã chiến thu dung Điều trị Covid-19 số 3 (lô R6, Khu tái định cư 38,4 ha phường An Khánh, TP Thủ Đức) có khoảng 3% đến 5% các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng, bất ngờ trở nặng.

Thông tin trên được BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - đơn vị đang chịu trách nhiệm chính về mặt chuyên môn ở Bệnh viện Dã chiến thu dung Điều trị Covid-19 số 3 chia sẻ với phóng viên vào chiều 14/7.

TPHCM: Hơn 21.000 ca Covid-19, nhiều bệnh nhân đột ngột trở nặng - 1

Một bệnh nhân trở nặng đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Thu dung điều trị Covid-19 số 3 (Ảnh: Bệnh viện cung cấp). 

Thực tế từ khi tiếp nhận bệnh đến nay đã có nhiều bệnh nhân nhập viện chuyển từ không triệu chứng sang có triệu chứng và trở nặng.  Sau khi được theo dõi, điều trị triệu chứng, cho thở oxy, khoảng 30 trường hợp trong số các ca diễn tiến nặng đã chuyển lên tuyến trên điều trị chuyên môn sâu.

BS Trần Văn Khanh nhấn mạnh: "Diễn tiến của người bệnh rất nhanh chỉ trong khoảng thời gian từ 6 - 12 tiếng, từ tình trạng bình thường đã trở nặng với biểu hiện dễ nhận biết nhất là suy hô hấp cấp. Đây là thách thức lớn về mặt chuyên môn đối với công tác theo dõi, điều trị cho bệnh nhân. Nếu không có nguồn nhân lực y tế, không xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ tử vong". Xem thêm tại đây.

Cần 2-4 tuần để thấy rõ hiệu quả của Chỉ thị 16

Chỉ trong chưa đầy 3 tháng kể từ khi bùng phát, đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận hơn 33.000 bệnh nhân Covid-19 mới. Con số này gấp khoảng 10 lần tổng số F0 của cả 3 đợt dịch trước cộng lại. Khu dân cư, khu công nghiệp, bệnh viện đều chịu sự tấn công của Covid-19. Đặc biệt, TPHCM, điểm nóng nhất của dịch, trong nhiều ngày qua, cứ mỗi 24h lại phát sinh hơn 1.000 ca bệnh.

Những con số đáng báo động này cho thấy, làn sóng dịch mới phức tạp hơn nhiều so với những lần bùng phát dịch trước đó.

TPHCM: Hơn 21.000 ca Covid-19, nhiều bệnh nhân đột ngột trở nặng - 2

Theo TS Thu Anh cần phải đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải (Ảnh minh họa: Hải Long).

Phân tích sâu về tình hình TPHCM ở thời điểm hiện tại, theo TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam, việc cơ quan chức năng quyết định giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 là điều rất cần thiết để khống chế dịch.

Ở thời điểm hiện tại, theo TS Thu Anh, TPHCM cần tận dụng triệt để thời gian giãn cách để thực hiện các biện pháp dập dịch quyết liệt và phù hợp. Tuy nhiên, cần ít nhất 2-4 tuần mới bắt đầu thấy hiệu quả của việc áp dụng Chỉ thị 16, nên chúng ta cần kiên nhẫn. Xem thêm tại đây.

Việc kiểm soát, quản lý tại khu phong tỏa chưa nghiêm

Ngày 15/6, UBND TPHCM đã gửi công văn khẩn đến lãnh đạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức về việc chấn chỉnh hoạt động của Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm và tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại các khu phong tỏa.

UBND TPHCM nhận định hiện nay, công tác phối hợp, chỉ đạo lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm, trả kết quả ở một số địa phương còn có lúc chưa nghiêm túc, đồng bộ, chặt chẽ và còn chậm so với yêu cầu. Việc kiểm soát, quản lý tại khu phong tỏa chưa nghiêm, còn tình trạng người dân đi lại, giao lưu, không đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16.

TPHCM: Hơn 21.000 ca Covid-19, nhiều bệnh nhân đột ngột trở nặng - 3

UBND TPHCM nhận định công tác lấy mẫu ở một số nơi còn thiếu nghiêm túc, đồng bộ (Ảnh: Hải Long).

Từ những lý do trên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức vận hành hiệu quả Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm với phương châm "Rõ - Chắc - Nghiêm - Nhanh".

Trong đó, các tổ chỉ đạo phải xác định rõ ràng trách nhiệm. Mọi hoạt động của tổ do tổ trưởng điều hành, chỉ đạo, phân công.

Việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chắc chắn theo nguyên tắc, hướng dẫn của ngành y và trung tâm điều phối. Đối tượng lấy mẫu tại khu vực nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao, khu vực phong tỏa cần được xác định kịp thời, nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng để điều trị. Xem thêm tại đây.

Hơn 921.000 liều vắc xin AstraZeneca "hạ cánh" xuống Tân Sơn Nhất

Trước tình hình dịch bệnh đang bùng phát và diễn biến phức tạp tại Việt Nam, các bên liên quan đã tăng tốc cung ứng vắc xin của AstraZeneca nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.

TPHCM: Hơn 21.000 ca Covid-19, nhiều bệnh nhân đột ngột trở nặng - 4

Vắc xin được bảo quản theo quy định nghiêm ngặt trước khi được phân phối đến các điểm tiêm chủng. 

Đây là lần giao vắc xin thứ tư và với số lượng lớn nhất từ trước đến nay trong hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Nhờ việc ký kết sớm thỏa thuận này vào tháng 11 năm 2020, Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tiếp cận được vắc xin Covid-19. Hiện hợp đồng này đã mang về cho Việt Nam hơn 1,9 triệu liều vắc xin. 

Đến nay, đã có gần 6,4 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam thông qua các hình thức: hợp đồng đặt mua trước của VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế; cơ chế COVAX; viện trợ song phương giữa chính phủ các nước. Vắc xin của AstraZeneca hiện chiếm 71% nguồn cung vắc xin Covid-19 trên cả nước. Xem thêm tại đây.

TPHCM phát tiền hỗ trợ Covid-19 tận nhà, dân nhận qua khe cửa vì sợ dịch

Ngày 15/7, chính quyền các cấp nhiều quận, huyện của TPHCM đang gấp rút triển khai trao tiền hỗ trợ Covid-19 trong gói 886 tỷ đồng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Một số địa phương đi đến tận nhà để trao tiền tận tay cho dân.

TPHCM: Hơn 21.000 ca Covid-19, nhiều bệnh nhân đột ngột trở nặng - 5

Nhiều gia đình sợ lây lan dịch bệnh nên đóng kín cửa, nhận tiền qua hàng rào tự phong tỏa.

Ghi nhận tại phường 4, quận 3 (TPHCM), các cán bộ phường cầm danh sách cùng tiền hỗ trợ cho người lao động đi tới gõ cửa từng nhà trong khu vực để trao tiền. Tuy nhiên, nhiều gia đình chưa thể nhận được tiền vì phải đi cách ly, hoặc bị phong tỏa do dịch bệnh.

Theo Chủ tịch UBND phường 4, do tình hình dịch bệnh căng thẳng, tránh việc để người dân tụ tập đông đúc thì phường đã quyết định cho cán bộ đến từng nhà để phát cho người dân. Hiện toàn phường có 4 tổ công tác sẽ lần lượt chia danh sách để phát tiền.

"Công tác phát tiền hỗ trợ người dân có phần hơi chậm so với kế hoạch, lý do là hiện có 5/6 khu phố của phường có khu vực bị phong tỏa, việc phát tiền hỗ trợ sẽ phải rời lại đối với những gia đình là F0 phải đi cách ly. Với những người trong khu phong tỏa tại nhà thì phường sẽ cử người mặc đầy đủ bảo hộ để mang tiền tới phát cho dân. Dự kiến trong khoảng 2 ngày 16-17/7 công tác hỗ trợ tiền Covid-19 cho dân sẽ hoàn thành", ông Nguyễn Văn Đức nói. Xem thêm tại đây.