TPHCM: Đầu năm học, bệnh tay chân miệng tăng vọt

(Dân trí) - Năm học mới vừa bắt đầu, số ca bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị đã tăng gấp đôi. Bác sĩ cảnh báo, mùa tựu trường là thời điểm bắt đầu đợt dịch tay chân miệng thứ 2 trong năm, phụ huynh và nhà trường cần chú ý bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Trong 2 tuần đầu của tháng 9, bệnh tay chân miệng đang tăng rất nhanh. “Cách đây 2 tuần trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 30 đến 40 ca nhập viện, nay bệnh đã tăng lên tới 80 trường hợp. Từ đầu năm đến cuối tháng 8, bệnh tay chân miệng không căng thẳng, số trẻ nhập viện không nhiều. Nhưng mới vào đầu tháng 9, số ca bệnh đã nhảy vọt, trẻ mắc tay chân miệng phải nhập viện điều trị hiện đang tập trung chủ yếu tại TPHCM. Mỗi ngày có 2 đến 3 trẻ bị nặng phải hỗ trợ điều trị tích cực”.

 

img-2268-1441944644342
Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1

Bệnh tay chân miệng mỗi năm có 2 mùa dịch, mùa thứ nhất từ khoảng tháng 3 đến tháng 6; mùa thứ 2 từ tháng 9 đến tháng 12. Diễn tiến bệnh hiện tại báo hiệu nguy cơ bệnh gia tăng theo chiều hướng khó lường ở mùa dịch thứ 2 trong năm.

Theo BS Hữu Khanh, thông thường bệnh tay chân miệng ở thời điểm đầu mùa, người nhà bệnh nhi và cả bác sĩ hay có tâm lý chủ quan nên không tầm soát bệnh ở trẻ dẫn đến phát hiện bệnh trễ hoặc bỏ sót bệnh khiến trẻ rơi vào tình trạng bệnh nặng.

Phân tích chuyên môn của BS Trương Hữu Khanh về các yếu tố “tiếp tay” cho bệnh tay chân miệng phát triển chỉ ra: “Ở mùa dịch thứ nhất, thời điểm tay chân miệng tăng mạnh là sau Tết Nguyên Đán. Việc di chuyển từ thành phố về quê ăn tết rồi từ quê trở lại thành phố khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng, sức đề kháng suy giảm, các loại bệnh trong đó có tay chân miệng dễ tấn công. Mặt khác, khi tham gia trên hành trình di chuyển, trẻ thường xuyên tiếp xúc trong môi trường đông người cũng gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tương tự ở mùa dịch thứ 2, thời điểm tháng 9 là mùa tựu trường của các bé, việc tập trung đi học trở lại nếu 1 trẻ nhiễm bệnh, sẽ có nguy cơ lây cho nhiều trẻ khác. Điều kiện thời tiết thất thường cũng là một trong những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.

 

img-8428-1441944644298
Cần nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ, đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời

Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, khi trẻ ăn uống, cầm nắm đồ chơi có chứa vi rút rồi đưa tay vào miệng. Vi rút tay chân miệng có trong bóng nước trên cơ thể, nước miếng, đàm nhớt, phân của bệnh nhi. Đặc biệt, ở người lớn mang bệnh nhưng không có biểu hiện cụ thể, không phát bệnh, khi người lớn mang vi rút chế biến thức ăn và chăm sóc trẻ (thói quen mớm thức ăn cho trẻ) sẽ truyền vi rút gây bệnh cho các bé.

Các triệu chứng thường gặp khi trẻ mắc tay chân miệng gồm: sốt nhẹ 2 đến 3 ngày, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng, chảy nước miếng, biếng ăn. Những ca bệnh bị sốt kéo dài trên 2 ngày, sốt cao khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với khi đi ngủ, run tay, run chân, đi đứng không vững, thở khó… là biểu hiện của tình trạng bệnh đã trở nặng, nguy cơ biến chứng, trường hợp này phụ huynh cần nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện.

Nhấn mạnh việc phòng ngừa bệnh tay chân miệng là đặc biệt quan trọng, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh và các trường mầm non, mẫu giáo nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần đối với đồ chơi của trẻ và khu vực trẻ vui chơi. Với những trẻ mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc tay chân miệng, cần cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày để đưa đến bệnh viện thăm khám và chữa trị kịp thời, tránh nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và lây lan cho những trẻ khác.

Để tránh nguy cơ hình thành các ổ dịch tay chân miệng trong trường học, BS Khanh khuyến cáo, ngoài việc cho trẻ nghỉ học và đưa đến bệnh viện thăm khám, chữa trị các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm thông báo đến nhà trường nếu phát hiện con em mình mắc bệnh tay chân miệng để nhà trường phối hợp với ngành y tế tiến hành vệ sinh khử khuẩn loại bỏ các yếu tố nguy cơ.

 

 

 

Vân Sơn
(email: suckhoe@dantri.com.vn)