TPHCM: Bệnh viện quá tải vì “dịch chồng dịch”

(Dân trí) - Trong lúc bệnh sởi tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cộng đồng, các loại dịch bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu… cũng nhân cơ hội “tát nước theo mưa”. Tuyến y tế dự phòng bị “chọc thủng”, gánh nặng quá tải đang dồn lên lĩnh vực điều trị.

Sau sởi là sốt xuất huyết, tay chân miệng

Thời tiết oi bức những ngày giao mùa ở khu vực phía Nam khiến không khí tại các bệnh viện Nhi Đồng vốn đã quá tải càng thêm ngột ngạt. Bé Nguyễn Hoàng M. (5 tuổi, ngụ tại Thủ Đức) cơ thể nổi đầy ban đỏ khóc lặng trên tay mẹ tại khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2. “Hôm nay đã là ngày thứ 3 thằng bé nằm viện nhưng bệnh tình chưa thuyên giảm. Thấy dịch sởi hoành hành tôi đã đưa con đi chích bù vắc-xin chủng ngừa nhưng chẳng hiểu sao bé vẫn mắc bệnh”, chị Phan Thị Hoa cho biết.

Trẻ điều trị sởi tại bệnh viện Nhi Đồng 2
Trẻ điều trị sởi tại bệnh viện Nhi Đồng 2

Cùng với bệnh sởi, tay chân miệng đang là hiểm họa lớn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của con trẻ. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, tính đến hết ngày 6/5 bệnh viện đang điều trị nội trú cho 50 trẻ mắc sởi và 51 trẻ mắc tay chân miệng; cùng ngày tại Nhi Đồng 2 số trẻ tay chân miệng nằm điều trị tại khoa Nhiễm cũng lên tới 40 bé, số ca mắc sởi điều trị nội trú lên tới 68 trường hợp, nhiều bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi.

Bệnh nhân quá đông khiến khoa nhiễm của các bệnh viện nhi rơi vào quá tải nghiêm trọng, 2 đến 3 trẻ nằm chung một giường nhưng cũng không đủ chỗ, bệnh viện buộc phải kê thêm giường ra hành lang hoặc người nhà bệnh nhi tự mua chiếu trải dưới nền gạch làm chỗ nằm để cho con bám bệnh viện điều trị.

Sau sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng đang tăng nhanh
Sau sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng đang tăng nhanh

Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, chị Trương Thị Nguyệt Ánh, ngụ tại Bình Chánh cho biết: “Chưa đầy một tháng nhưng hai đứa con của tôi thay phiên nhau nhập viện. Bé đầu năm nay hơn 10 tuổi vừa điều trị khỏi bệnh thủy đậu tại bệnh viện bệnh Nhiệt Đới thì nay đến bé thứ hai mới 2 tuổi bị tay chân miệng. Phải thay nhau chăm sóc con, vợ chồng tôi chẳng làm ăn gì được”.

Ngành Y tế “quay cuồng” đối phó dịch bệnh

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Sự phòng thành phố, ngày 07/5 tại cuộc họp giao ban quận huyện, tính đến hết tháng 4 trên địa bàn đã có 1.301 ca mắc sởi; 509 ca mắc thủy đậu; 2607 ca mắc sốt xuất huyết; 2.944 ca mắc tay chân miệng. Các loại bệnh trên đã tăng hàng chục lần so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Bệnh sốt xuất huyết sau khi tăng bất thường vào mùa khô đang có sự giảm nhẹ trước khi bước vào mùa mưa nhưng đến tuần 18 vẫn ghi nhận khoảng 100 ca nhập viện, tổng số ca bệnh tính từ đầu năm đã tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2013. Sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 110/322 phường xã, nhiều quận huyện dịch đang hoành hành dữ dội như quận 8, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình… cá biệt tại quận Thủ Đức số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gần 4 lần so với năm trước.

Bệnh tay chân miệng đang gia tăng ở mức báo động với 236 phường xã có ổ dịch thuộc 24 quận huyện đều có ổ dịch, trong đó quận 8, Bình Tân, Tân Phú… đang là những điểm nóng của dịch tay chân miệng. Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục tăng mạnh và đạt đỉnh trong tháng 5.

Trẻ nhỏ tiếp tục là đối tượng chính của dịch bệnh
Trẻ nhỏ tiếp tục là đối tượng chính của dịch bệnh

Mặc dù thành phố đang rốt ráo triển khai chiến dịch tiêm vét vắc-xin ngừa sởi cho trẻ dưới 3 tuổi nhưng sau hai tháng triển khai, bệnh vẫn chưa có dấu hiệu được đẩy lùi. Dù rơi vào kỳ nghỉ lễ nhưng tuần 18 vẫn có khoảng 215 trẻ mắc sởi được phát hiện. Tiếp theo kế hoạch tiêm bù vắc-xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi, thành phố đã lên kế hoạch triển khai tiêm bổ sung cho trẻ từ 3-10 tuổi từ tháng 5 tới tháng 7. Dự kiến số bệnh nhân được tiêm bù tiêm vét trong chiến dịch này khoảng 250.000 đến 300.000 trẻ.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định: “Dù đã nỗ lực phòng chồng nhưng hiện tại nhiều dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố đang diễn tiến nguy hiểm”. BS Hưng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền ý thức phòng chống dịch bệnh đến người dân, giám sát, điều trị tích cực cho những trường hợp mắc bệnh; tăng cường vệ sinh khử khuẩn, nhanh chóng xúc tiến chương trình tiêm ngừa vắc xin sởi, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Tuy nhiên, trước thực tế nhiều dịch bệnh bùng phát trên diện rộng trong khi nhân vật lực của ngành Y tế Dự phòng quá mỏng lại phải căng mình làm cùng lúc nhiều việc, nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh của thành phố đang là thách thức lớn.

Vân Sơn

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm