1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Bé trai 4 tuổi lở môi, dị ứng nặng sau uống thuốc ở phòng khám

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sau khi uống thuốc không rõ loại do một phòng khám bán để trị căn bệnh viêm họng, bé trai 4 tuổi lờ đờ, bỏ ăn, môi sưng lở, viêm kết mạc, phải nhập viện cấp cứu.

Đó là trường hợp của bé P. (4 tuổi, ngụ TPHCM). Khai thác bệnh sử, trước đó bé được bác sĩ một phòng khám chẩn đoán viêm họng cấp, kê thuốc uống dạng viên, bóc vỏ không rõ loại, không có toa thuốc.

Nhân viên phòng khám nghiền thuốc rồi bỏ vào từng bịch nhỏ dặn mẹ cho bé uống tại nhà. 2 ngày sau khi sử dụng thuốc, bé không hạ sốt, cơ thể nổi đỏ, lờ đờ, bỏ ăn, môi sưng và họng loét. Gia đình nghĩ bé mắc bệnh tay chân miệng nên đưa đi bệnh viện cấp cứu.

TPHCM: Bé trai 4 tuổi lở môi, dị ứng nặng sau uống thuốc ở phòng khám - 1

Môi bệnh nhi lở loét nặng khi nhập viện (Ảnh: BV).

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Ngọc, khoa Nhi cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao 39 độ C, viêm kết mạc mắt, môi sưng chảy máu và mủ, đau ngứa trợt da hậu môn. Qua bệnh sử kết hợp khám lâm sàng, bác sĩ nghi ngờ bé mắc hội chứng Stevens-Johnson. Đây là tình trạng dị ứng nặng , tỷ lệ mắc tại Mỹ khoảng 2/1.000.000 người, tỷ lệ tử vong 5-15%.

Nguyên nhân thường gặp của hội chứng này là do dị ứng thuốc (như kháng sinh, thuốc động kinh) hoặc do nguyên nhân khác như nhiễm vi khuẩn, virus. Khoảng 40% trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng Stevens-Johnson gồm cơ thể ngứa, nổi ban nốt phồng ngoài da, lở loét các lỗ tự nhiên trên cơ thể như mắt, miệng, bộ phận sinh dục, hậu môn. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiễm trùng huyết, mất nước, rối loạn điện giải, khô mắt, loét giác mạc, mù, thậm chí tử vong.

TPHCM: Bé trai 4 tuổi lở môi, dị ứng nặng sau uống thuốc ở phòng khám - 2

Bé trai được điều trị tích cực trong 5 ngày (Ảnh: BV).

Với bé P., tình trạng của bệnh nhi trên diễn tiến nhanh, chỉ trong vài giờ đã chuyển từ biểu hiện phồng đến bỏng rộp toàn bộ môi, chảy mủ và máu.

Vì tổn thương nặng, bé không thể ăn qua đường miệng, phải truyền dịch bổ sung. Ngoài ra, cơ thể bệnh nhi còn tổn thương viêm kết mạc mắt, viêm loét hậu môn.

Bệnh nhi được thoa thuốc chăm sóc vết thương, truyền thuốc điều trị tình trạng bội nhiễm vi trùng tạo mủ ở môi. Sau hai ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhi hết sốt, uống được sữa và ăn cháo loãng. Đến ngày thứ 5, tổn thương ở các vùng da lành 90%, bé xuất viện.

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, khi trẻ từng dị ứng do dùng thuốc cần cẩn trọng đọc kỹ thành phần, hướng dẫn sử dụng thuốc và thông báo với bác sĩ khi khám bệnh. Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc không toa, đã bóc vỏ mà không rõ chủng loại và hạn sử dụng.