1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé trai lở loét vùng kín, nhiễm trùng nặng sau khi chích thuốc ở phòng khám

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sau khi được người nhà đưa đến phòng khám chích thuốc, bé trai nổi bóng nước, lở loét miệng, bộ phận sinh dục. Tại bệnh viện ở TPHCM, các bác sĩ phát hiện bé đã mắc một hội chứng nguy hiểm.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Trần Thị Bích Huyền, Phó trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhi mắc hội chứng nguy hiểm khiến cơ thể tổn thương rất nặng, nghi do dị ứng thuốc.

Bệnh nhi là bé H.M.T. (9 tuổi, quê Sóc Trăng). Khai thác bệnh sử, mẹ bệnh nhi cho biết, trước đó thấy cháu sốt 2 ngày, ông ngoại đưa T. đến một phòng khám tư ở địa phương chích thuốc. Một ngày sau đó, bé bất đầu xuất hiện tình trạng tím môi, nổi bóng nước ở miệng rồi lan rộng ra nhiều vị trí. Tại bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh nhi được chăm sóc, xử trí 3 ngày rồi chuyển lên tuyến trên.

Bé trai lở loét vùng kín, nhiễm trùng nặng sau khi chích thuốc ở phòng khám - 1

Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi tiếp nhận điều trị cho bé T. (Ảnh: Hoàng Lê).

Thời điểm vào Bệnh viện Nhi đồng 1, bé trai trong tình trạng nổi bóng nước toàn thân, lở loét vùng miệng, mắt và bộ phận sinh dục, nhiễm trùng nặng. Sau khi khai thác bệnh sử và dựa vào triệu chứng của bé, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng Stevens Johnson.

Bé T. được điều trị nhiễm trùng, dùng kháng sinh, xử lý tổn thương da, bóng nước bằng thuốc bôi và thuốc tắm, vệ sinh mắt hàng ngày, chăm sóc răng miệng với bác sĩ chuyên khoa Mắt và Răng hàm mặt. Bệnh nhi cũng được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch, dùng vitamin, vì lở loét hết khoang miệng không thể ăn được.

Bé trai lở loét vùng kín, nhiễm trùng nặng sau khi chích thuốc ở phòng khám - 2

Bé T. bị lở loét, nhiễm trùng nặng vì mắc hội chứng Stevens Johnson (Ảnh: AT).

Sau 5 ngày điều trị tích cực, các tổn thương trên da bệnh nhi bắt đầu khô, vết loét ở mắt, miệng hồi phục dần. Bệnh nhi bắt đầu ăn uống được, nên giảm dần dinh dưỡng đường tĩnh mạch.

Sau khoảng 2 tuần điều trị, bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, không có biến chứng và được xuất viện.

Theo bác sĩ Huyền, mỗi năm khoa chỉ tiếp nhận điều trị cho khoảng 10 trẻ mắc hội chứng Stevens Johnson, tỷ lệ không nhiều. Có những trường hợp tổn thương quá nặng, nhiễm trùng nhiều, phải chuyển vào khoa Phỏng chăm sóc trong điều trị vô trùng.

Trẻ mắc Stevens Johnson sẽ có biểu hiện triệu chứng rầm rộ ra da, trong 24-48 giờ nhiễm bệnh sẽ xuất hiện bóng nước, và chỉ trong vài ngày có thể chuyển nặng. Nếu không can thiệp sớm, bệnh sẽ gây vết thương nặng hơn, biến chứng nhiễm trùng huyết, tổn thương những cơ quan khác như gan, thận, mắt và nặng nhất là tử vong.

Bác sĩ Huyền chia sẻ, hiện chưa rõ cơ chế cụ thể gây nên hội chứng Stevens Johnson. Các yếu tố nguy cơ có thể làm phát bệnh là dị ứng thuốc, vi trùng, virus hay những tác nhân gây dị ứng khác (như thức ăn).

Bé trai lở loét vùng kín, nhiễm trùng nặng sau khi chích thuốc ở phòng khám - 3

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh khi thấy con có tổn thương trên da thì phải đưa đến bệnh viện để kiểm tra ngay (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Bác sĩ khuyến cáo, bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có nguy cơ gây dị ứng dẫn đến hội chứng nguy hiểm trên, đặc biệt là nhóm thuốc động kinh. Khi phụ huynh thấy con bất ngờ xuất hiện tổn thương, bóng nước trên da thì phải đưa đến bệnh viện để kiểm tra ngay để kịp thời can thiệp điều trị, tránh dẫn đến biến chứng nặng.

Ngoài trường hợp trên, gần đây Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cũng tiếp nhận một bé trai tên T.N.S. (8 tuổi, quê Kiên Giang) mắc hội chứng Stevens Johnson biến chứng nặng.

Gia đình cho biết, trước đó bé có ăn cua, hai ngày sau thì phát ban khắp người và kết mạc mắt đỏ, môi hơi sưng. Đến khi nhập viện, bệnh nhi đã loét nặng nề mũi, miệng, cơ quan sinh dục, nhiễm trùng huyết toàn thân.