TPHCM: 10 phút "hồi sinh" người đàn ông bị điện giật ngưng thở

Hoàng Lê

(Dân trí) - Khi đang làm việc tại công trường, người đàn ông bị điện giật bất tỉnh, tím tái và lâm dần vào ngưng hô hấp tuần hoàn, tính mạng nguy kịch.

Đó là trường hợp của anh T.V.L. (1985, quê ở Cần Thơ). Sau khi bị điện giật vào chiều cuối tháng 10 tại TPHCM, người đàn ông được đồng nghiệp ở công trường đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngừng tuần hoàn, hô hấp, khả năng tử vong cao.

Bác sĩ Lê Tùng Dương, khoa Cấp cứu Hồi sức cho biết, ekip điều trị đã khẩn trương hội chẩn, nhanh chóng ép tim, bóp bóng đặt nội khí quản, sốc điện.

"Sau 10 phút nỗ lực thực hiện các biện pháp cấp cứu, bệnh nhân L. có nhịp tim trở lại, mạch và huyết áp đo được. Cả ekip vỡ òa vui mừng vì đã đưa bệnh nhân ra khỏi cửa tử", bác sĩ Dương nói.

Bệnh nhân được chuyển vào khu hồi sức tích cực (ICU) điều trị. Suốt 2 ngày, nhờ được đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc sát sao, người đàn ông được rút ống đặt nội khí quản, hồi phục tri giác, tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Hiện tại, bệnh nhân gần như hồi phục hoàn toàn, có thể thực hiện theo y lệnh.

TPHCM: 10 phút hồi sinh người đàn ông bị điện giật ngưng thở - 1

Người đàn ông bị điện giật nguy kịch đã hồi phục hoàn toàn sau khi được cấp cứu và điều trị tích cực (Ảnh: BV).

Theo bác sĩ Dương, điện giật là tai nạn làm tổn thương các vùng cơ thể nơi dòng điện chạy qua. Tùy theo cường độ dòng điện, thời gian bị điện giật… mức tổn thương sẽ khác nhau.

Với những trường hợp điện giật thoáng qua, thông thường chỉ gây tê, không có tổn thương cháy thịt.  Nhưng khi các dòng điện có cường độ lớn đi qua cơ thể, bệnh nhân sẽ gặp thương tích nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ tử vong cao.

Các hậu quả có thể dẫn đến là bỏng, hoại tử, rối loạn các cơ quan và ngưng hô hấp, tuần hoàn. Khi dòng điện truyền đến não sẽ làm phá hủy hệ thần kinh. Ngoài ra, nếu nạn nhân té ngã do điện giật có thể gây ra các chấn thương ở đầu, cột sống.

Bác sĩ khuyến cáo, với tất cả các trường hợp bệnh nhân ngừng tim và ngừng thở (ngừng tuần hoàn, hô hấp), thời gian cấp cứu rất quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân.

Do đó, khi thấy những người xung quanh gặp các tình trạng khẩn cấp, không có dấu hiệu sự sống (như bị điện giật), cần đưa đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt.

Các bác sĩ cho biết, sơ cứu người bị tai nạn do điện giật rất quan trọng trong việc cứu mạng bệnh nhân, đòi hỏi sự nhanh chóng, đúng cách và an toàn.

Theo đó, bước đầu tiên phải ngắt và tách nguồn điện ra khỏi người nạn nhân. Kế đến, đưa nạn nhân đến vùng an toàn rồi tiến hành sơ cứu:

Đặt nạn nhân ở tư thế nằm thoải mái, đầu thấp, thoáng khí nhưng không để nạn nhân bị lạnh. Kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh táo không, bằng cách gọi tên và chờ xem nạn nhân có trả lời hay không.

Nếu nạn nhân hôn mê, tiến hành mở đường thở bằng cách nâng cằm và ngửa đầu ra sau. Nếu không thể mở đường thở, hãy cho nạn nhân nằm ngửa ra, kiểm tra miệng xem có bất thường không.

Thực hiện hô hấp nhân tạo hoặc ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân không thở và sờ vào không có mạch. Nếu nạn nhân bị tổn thương nặng, cần gọi cấp cứu và chuyển tới cơ sở y tế gần nhất.