1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi

Hoàng Lê

(Dân trí) - Thấy bà té ở nhà vệ sinh, cháu trai mới gần 3 tuổi theo thói quen dùng điện thoại gọi cho mẹ qua mạng xã hội. Nhờ vậy, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu và phát hiện bị tắc mạch máu nuôi tim nguy kịch.

Ngày 31/8, đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, nơi đây đang tiếp nhận điều trị cho một trường hợp liên tục ngưng tim, ngưng thở 3 lần chỉ trong ít giờ đồng hồ vì biến chứng rất nguy hiểm ở tim.

TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 1

Khoa Nội tim mạch, nơi điều trị bệnh nhân liên tục bị ngưng tim 3 lần (Ảnh: Hoàng Lê).

Cuộc gọi cứu mạng bà ngoại "thần kỳ" của cháu trai 3 tuổi

Bệnh nhân là bà S.T.N.L. (57 tuổi, quê Bạc Liêu, tạm trú ở TP Thủ Đức). Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng 8h ngày 29/8, bà vào nhà vệ sinh rửa mặt thì bất ngờ lên cơn đau ngực, choáng váng và té không ngồi dậy nổi.

Lúc này, trong nhà chỉ có cháu trai gần 3 tuổi. Phát hiện bà bị té, đứa cháu theo thói quen dùng điện thoại bấm gọi cho mẹ qua tài khoản mạng xã hội để thông báo sự việc.

"Cháu tôi mới 2 tuổi rưỡi nhưng lanh lắm, biết bấm điện thoại và biết nói rồi. Lúc đó bé ngủ dậy, gọi ngoại hoài không được nên xuống nhà vệ sinh tìm. Thấy tôi nằm dưới đất, nó bấm điện thoại điện cho mẹ, kêu "ngoại té rồi".

Mẹ nó nghe vậy mới gọi cho dì tư qua kiểm tra, đưa tôi đi bệnh viện", bà L. kể.

TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 2

Bệnh nhân L. kể lại sự việc của mình (Ảnh: Hoàng Lê).

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ekip trực tiến hành sơ cứu, làm các xét nghiệm, chụp chiếu và phát hiện bệnh nhân bị tắc mạch máu nuôi tim rất nặng, cần phải can thiệp khai thông mạch máu, đặt stent khẩn cấp, nên chỉ định chuyển tiếp lên Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Bác sĩ Võ Tấn Được, khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, quá trình chuyển viện từ nơi này đến tuyến trên, bệnh nhân bất ngờ lên cơn ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ trong ekip chuyển viện lập tức tiến hành hồi sức tim phổi nâng cao, sốc điện ngay trên xe cấp cứu, để bệnh nhân có nhịp tim trở lại.

Khi vào Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân tiếp tục ngưng tim thêm 2 lần chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, nhưng đều được xử trí hồi sức, sốc điện thành công.

Sau đó, bệnh nhân được can thiệp mạch máu nuôi tim bên phải, khai thông mạch máu và đặt stent mạch vành. Hậu can thiệp, tình trạng huyết động của bệnh nhân ổn định, tri giác cải thiện, tỉnh táo, bớt đau ngực và khó thở, được chuyển về Bệnh viện Lê Văn Thịnh để tiếp tục điều trị, theo dõi.

TPHCM: Bà ngoại 3 lần ngưng tim và cuộc gọi cứu mạng của cháu trai 3 tuổi - 3

Nhờ được cấp cứu kịp thời và đặt stent, bà L. qua cơn nguy kịch (Ảnh: Hoàng Lê).

Đến ngày 31/8, bệnh nhân đã khỏe hơn, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Dự kiến, người phụ nữ sẽ còn điều trị khoảng 5-10 ngày để theo dõi, đề phòng các tổn thương tim, dùng các thuốc điều trị suy tim trước khi xuất viện.

Căn bệnh gây ngưng tim ngày càng trẻ hóa

Bác sĩ Được cho biết, mạch máu nuôi tim bên phải giữ vai trò quan trọng. Khi tắt mạch này, nút thắt nhịp tim sẽ không có máu nuôi, dẫn đến việc tim ngừng đập.

Thống kê tại khoa Nội Tim mạch của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trung bình mỗi năm tiếp nhận điều trị khoảng 200 trường hợp gặp phải tình trạng trên, và tuần nào cũng có từ 1-5 ca bệnh.

Quá trình điều trị, các bác sĩ nhận thấy, trước đây việc tắc mạch máu nuôi tim thường gặp ở người trên 40 tuổi. Tuy nhiên càng về sau, tình trạng này có dấu hiệu trẻ hóa, khi có những ca bệnh mới hơn 20 tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh.

Triệu chứng thường gặp nhất của tình trạng tắc mạch máu nuôi tim là đau ngực kèm khó thở nặng. Nếu phát hiện và can thiệp trễ, bệnh nhân sẽ ngưng tim, ngưng thở dẫn đến tử vong. Ngoài ra, còn có thể gặp biến chứng nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp, thủng thành tim...

Bác sĩ khuyến cáo, người dân dù khỏe mạnh cũng cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm các chức năng của cơ thể để kịp thời phát hiện những bất thường.

Trường hợp bệnh nhân đã ngưng tim trước khi vào viện, người nhà nên đưa vào cơ sở y tế gần nhất trước để tranh thủ thời gian vàng cấp cứu, sau đó mới đến các trung tâm can thiệp chuyên sâu, có đủ máy móc, thiết bị hiện đại và nhân lực điều trị.

Ngoài ra, người dân nên chủ động mua bảo hiểm y tế, bởi khi bị biến chứng nặng, cần can thiệp chuyên sâu, đặt stent… sẽ rất tốn kém viện phí điều trị.

"Như trường hợp của bệnh nhân L., vì không có bảo hiểm y tế nên chi phí đặt stent lên đến khoảng 80 triệu đồng. Số tiền điều trị đến khi xuất viện dự kiến cần thêm 20-30 triệu đồng nữa", bác sĩ Được nói.