Tôm bơm thạch agar nguy hiểm với sức khỏe: Làm sao để nhận diện?
(Dân trí) - Nhiều vụ việc gian thương "phù phép" tôm bằng thạch agar và các loại tạp chất khác đã được phát hiện. Làm sao để nhận diện loại thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe này?
Như Dân trí đã đưa tin, đêm 6/4, lực lượng chức năng cùng an ninh kinh tế Hà Nội bất ngờ kiểm tra một cơ sở đang có hành vi bơm tạp chất vào tôm sú để bán cho khách hàng nhằm mục đích trục lợi. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên hành vi bơm bột thạch agar vào tôm để tăng trọng lượng được phát hiện.
Bơm bột thạch agar vào tôm nguy hiểm như thế nào?
Bột agar là một sản phẩm được chiết xuất từ tảo đỏ. Với khả năng tạo sự kết dính thực phẩm, bột agar được sử dụng trong chế biến thạch rau câu, giò chay, bánh và một số món ăn khác. Vì giá thành rẻ, không màu, không mùi nên agar thường được các gian thương sử dụng để tăng trọng lượng và đồng thời "phù phép" cho tôm trở nên bắt mắt hơn.
Thông thường, các đối tượng sẽ hòa bột agar với nước nóng, sau đó dùng bình và bơm tự chế để tiêm vào tôm. Từng con tôm sau khi được phun độn thân sẽ phì ra, tròn vo múp míp. 1 kg tôm sau khi độn sẽ thành 1,2 - 1,3kg mà cỡ tôm cũng được nâng lên, ví dụ từ loại 30 con/kg, sau khi bơm sẽ chỉ còn 23 - 24 con/kg, do đó giá cũng tăng lên.
Agar được chiết xuất từ thực vật và hoàn toàn không gây độc hại. Tuy nhiên, khi được sử dụng với mục đích sai trái này thì lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia, thủy sản nói chung và tôm nói riêng khi bị bơm tạp chất (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) là môi trường phù hợp cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển. Nếu ăn phải sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa.
Nguy hiểm hơn, trong trường hợp gian thương "phù phép" những con tôm đã bị ươn, hỏng để trở nên bắt mắt, người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa và đối mặt với nguy cơ ngộ độc cao.
Ngoài ra, nếu người bán sử dụng các chất bảo quản độc hại như hàn the, ure... thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Người ăn phải có khả năng bị ngộ độc cấp tính. Sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ra rối loạn hoạt động của tuyến giáp, hệ thần kinh...
Cách nhận diện tôm bị bơm tạp chất
Theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thật thường mềm, phẳng. Khi lật mang của con tôm lên sẽ phát hiện ra ngay, bởi mang của tôm bơm thạch rau câu sẽ căng, còn mang của tôm bình thường sẽ rất mềm. Khi bơm thạch vào, con tôm sẽ có 2 lớp, đó là lớp thịt và lớp rau câu, vì vậy, người ăn nên cẩn trọng bóc mang hoặc vỏ ra.
Về màu sắc, gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau.
Tôm bơm khi nấu chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường. Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.